Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

NẶNG LÒNG TỪ CẢNH QUÊ HƯƠNG






NẶNG LÒNG TỪ CẢNH QUÊ HƯƠNG

Trần Trung

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
  Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
  Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
  Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Thơ tả cảnh ngụ tình – thơ dệt nên bức tranh tâm cảnh, vốn là vẻ đẹp mẫu mực của thơ ca trung đại. Bức tranh “Cảnh khuya” được nhà thơ Hồ Chí Minh mở ra bằng nhạc và bằng họa – một cách nói khác: “thi trung hữu nhạc” và “thi trung hữu họa” cùng giao hòa và cộng hưởng, tạo nên bức tranh thơ trang nhã, tĩnh vắng và cũng thật xôn xao, trong một đêm khuya ở núi rừng Việt Bắc vào mùa xuân năm 1948:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
  Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Tinh chất cổ điển và hiện đại vừa rành rẽ, tường minh vừa lay động cảm nhận trong hai câu đầu của bài thơ tứ tuyệt “Cảnh khuya”.
Cổ điển bởi nhà thơ sử dụng thi liệu quen thuộc đã trở nên định hình của thơ ca, khi thi nhân hướng cảm hứng tới thiên nhiên với “tiếng suối trong”, với vẻ dịu dàng, thanh thoát từ ánh trăng khuya treo sáng giữa trời đêm. Và, “cổ thụ”, và “hoa” … tất thảy, vẽ nên “Cảnh khuya” trong vẻ lặng lẽ mà sống động, xôn xao.
Bức họa “Cảnh khuya” như bức tranh thủy mạc còn được gợi tiếp ra bởi không gian đa chiều, không gian có tầng, có lớp. Vầng trăng khuya rọi sáng từ tầng cao của không gian; ánh vàng dịu lan tỏa từ trăng, đổ tràn xuống “cổ thụ” trầm mặc, cổ kính. Và, huyền diệu thay – qua muôn vàn kẽ lá của cổ thụ, ánh trăng như đang dệt nên trên mặt đất bao nhiêu là đóa–hoa–trăng. Cái thực, cái ảo chợt giao hòa, tác hợp mà tạo nên vẻ đẹp thật diễm ảo của thiên nhiên.
Trên cái nền của chất liệu cổ điển là sự tỏa sáng, thăng hoa của xúc cảm cùng ý tưởng mới mẻ mang chất thời đại. Sự tươi tắn tràn đầy sinh lực của thiên nhiên trong đêm tĩnh vắng, chợt ngân nga thanh âm, khi nhà thơ đem vào một so sánh trực tiếp – “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”…

Ví tiếng suối với tiếng đàn – tiếng lòng người, Nguyễn Trãi từng gợi tả trong những lời thơ thiết tha, trang trọng khi nhà thơ tìm về Côn Sơn, những mong tìm lại sự thanh thản, thanh cao của lòng mình:
“Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm”
(Côn Sơn ca – Nguyễn Trãi)
Nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh đem ví tiếng suối, âm thanh rất đặc trưng của núi rừng lúc về khuya với “tiếng hát xa”, khiến hình tượng âm thanh bỗng ngợp tràn sức sống, sức sống cùng niềm lạc quan của những con người đang hòa nhập và dấn thân vào cuộc chiến vệ quốc của nhân dân, của dân tộc.
Trong kết cấu định hình của thơ tứ tuyệt với bốn câu: khai (câu 1), thừa (câu 2), chuyển (câu 3) và hợp (câu 4), câu thơ thứ ba – câu chuyển, thường được xem như cái “bản lề” khép mở của tứ thơ. Có một “khoảng lặng” tựa như một thoáng “phục bút” để rồi bất ngời dựng lên ý tưởng, tâm tình sâu kín của nhà thơ trong câu thơ cuối bài.
Bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh cũng nằm trong quy luật cấu tứ ấy của thơ tứ tuyệt truyền thống. Khi nhà thơ viết: “cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ” thì, tự nó đã mở ra hai vế: thiên nhiên – “cảnh khuya như vẽ” và con người trong cảnh – “người chưa ngủ”. Và, cũng chính câu thơ “bản lề” này lại tiếp tục trải mở ra trường liên tưởng: đêm về khuya, cảnh thiên nhiên càng sâu lắng, trong vẻ im ắng lặng thinh của đất trời, có một con người thi nhân đang lặng lẽ, thao thức trước “cảnh khuya như vẽ” – cảnh khuya của đất trời quê hương xứ sở. Nhà thơ Hồ Chí Minh đã tạo nên sự nhất quán và bất ngờ, đột biến trong câu cuối của bài tứ tuyệt đặc sắc của mình:
“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
  Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Sức sống của thời đại cách mạng bất chợt hòa trong nỗi suy tư nặng lòng của nhà thơ, nhà cách mạng kiệt xuất Hồ Chí Minh. Một chữ “lo” mà như chợt bừng dậy, tỏa sáng tình cảm cùng ý tưởng của toàn bài thơ. Vẫn là niềm đắm say trong tâm hồn đích thực thi nhân trước vẻ đẹp “Cảnh khuya”của thiên nhiên, của tạo hóa. Nhưng, cao hơn vẫn là nỗi nặng lòng, lo lắng đầy tình cảm và trách nhiệm của một con người suốt một đời tranh đấu và khát khao sống cảnh yên vui, thanh bình muôn thủa cho nước nhà, cho muôn dân đất Việt.

Hà Nội, tháng 5/2003
T.T – ĐT: 04.38335182
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét