VẮT
KIỆT MÌNH TRONG CƠN KHÁT ĐAM MÊ
Qua 2 tập thơ Bùa lá và Miền
hoa dại của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh
Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006
Vũ Nho
Tôi nghĩ rằng nếu Nguyễn Thị Đạo Tĩnh yêu và
sớm thành gia thất, rồi sinh con đẻ cái như bất kì một người phụ nữ bình thường
nào trên đất nước ta thì có thể sẽ chỉ có một người đàn bà yêu văn chương, hoặc
khác hơn thì có thể có một một nhà văn nữ với những truyện ngắn sâu sắc và chặt
chẽ, kiểu như một Vũ Thị Thường mới trong làng văn xuôi. Dứt khoát không thể có
và không bao giờ có tác giả thơ Đạo Tĩnh của hai tập thơ in cùng một năm là Bùa
lá và Miền hoa dại. Tôi dám nói vậy là vì Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết:
Giá như ngày ấy, mình đừng quen
nhau em sẽ thành một người đàn bà khác.
Người đàn bà không biết làm thơ không
nhiều nước mắt không đam mê không biết dỗi hờn.
…
Sẽ là người đàn bà hạnh phúc biết vun
lo bếp lửa gia đình chia xẻ cùng chồng chăm những đứa con xinh.
Không đề
Nhưng hỡi ôi, đấy chỉ là giả tưởng,
chỉ là một cách hình dung. Người thiếu nữ
vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối ấy đã cuốn vào mối tình hoang dại, ngập tràn
giông bão để rồi vĩnh viễn mang một vết thương không thuốc nào chữa được.
Chỉ có những câu thơ như những lá cỏ non mới phần nào xoa dịu nỗi buốt nhức của
trái tim đa cảm đầy thương tật.
Con trai biển vì có vết thương trong
lòng nên mới làm ra ngọc. Còn nhà thơ Bùa lá và Miền hoa dại vì
vết thương lòng mà đau đớn thành thơ. Những bài thơ của một nỗi đau, một số
phận.
Như thế không có nghĩa là nhà thơ chỉ
biết có niềm riêng. Tác giả cũng từng thảng thốt trước cánh đồng sau cơn sốt
giấc mơ khu chế xuất về làng ( Bài ca cánh đồng). Chị ngậm ngùi trước một
làng chài Lênh đênh bao kiếp cơ hàn/ Dạt trôi theo chiếc thuyền nan tháng
ngày ( Làng chài). Hoặc nghẹn lòng trước tiếng rao đêm bánh khúc ( Nghẹn
đêm); cảm thông nhưng không thể làm gì hơn cho bà lão bán rau cơ khổ vì : “thương
bà lắm/nhưng biết mình không thể/ mua hết nỗi nhọc nhằn của mọi kiếp nhân gian”
( Bà lão bán rau).
Tuy nhiên. có thể nói thơ Đạo Tĩnh là thơ
ứa ra từ những đau thương, ngậm ngùi của riêng chị, một người khao khát tình yêu, khao khát “Sống một
đời rực rỡ/Sống một đời đam mê” ( Hoa xuân ca). Những phút giây hạnh phúc
chị đã có. Nhưng rồi nó thật ngắn ngủi và trớ trêu “ Chưa qua những ngày nắng
đổ/Đã âm thầm những mưa ngâu…” (Hạnh phúc). Dù chị là người đàn bà nào
trong ba kiểu người đàn bà đuôỉ bắt tình yêu, cả tin rồi bị mất hay lập
mưu đánh cắp ( Bốn người) thì chị vẫn là người của họ lặng im giấu tiếng
thở dài.
Người thiếu nữ ấy đã mạnh mẽ và lặng lẽ : Cuồn cuộn như nước
xiết/ Lầm lụi như lạc đà ( Góc khuất); đã như bông hoa dã quỳ “ Vắt kiệt
mình trong cơn khát đam mê” để rồi sau đó mỏi mòn trong cô đơn chờ đợi : năm
năm đợi/mười năm đợi/ hai mươi năm ngóng đợi…( Trốn tìm). Nhưng người chị
mong Người như chàng Cuội đã quên lối
về. Thành ra cuộc chờ đợi, kiếm tìm càng ngày càng vô vọng. Chị vẫn kiên
nhẫn đợi : “Ta kiên nhẫn đến vẹt mòn tuổi trẻ” ( Cỏ dại). Thật đáng khâm
phục nhưng cũng thật đáng thương là sự kìm nén, chịu đựng với ẩn ức như một
kẻ khùng ( Mưa thiếu nữ) hoặc Đôi khi thường ngửa mặt/cười như kẻ phát
cuồng ( Vết thương trăng). Nếu có thể hét toáng lên, có thể khóc oà lên có
lẽ sẽ vơi được chút nào chăng chút khổ đau. Nhưng
Không thể gào to
Càng không thể khóc
Nỗi đau âm thầm
Biển mùa
hè
Bởi thế mà mới có chuyện vờ để tự ru, tự dối
mình Cứ vờ như vẫn có anh để rồi không tránh được cái thực tế Nửa
giường nửa chiếu nửa chăn/hoang vu nửa phần trái đất ( Vờ). Để rồi làm bùa
lá bùa yêu tôi thả - cho mình tôi yêu ( Bùa lá).
Thất vọng, mỏi mòn, nhưng cũng thật
bền bỉ và mạnh mẽ . Người thiếu nữ ấy
như một đoá Quỳ sơn cước
gió và mưa chẳng thể nào tắt được
cái màu tươi nguyên sơ
Tự đốt mình trong cơn khát
đam mê
Hoa
Dã Quỳ
Thơ của Đạo Tĩnh vừa có sự cô đọng,
sắc sảo của một cây bút văn xuôi vừa có sự mạnh mẽ, phóng khoáng của một cây
thơ dạt dào sức sống và khát vọng. Niềm khát vọng ấy như tràn vào cảnh vật:
Bức tranh hoa dại
tràn vào
tháng giêng
rừng rực sắc màu
mê man
sương khói
thiên nhiên nhập đồng
nõn nà
cỏ dại
gái goá nôn nao
đất trời hoang hoải
dứt tung giải yếm
ngực xuân nhú chồi
không gian bùa ngải
lửa tràn lên môi
Vì thế mà tuy thơ buồn, nhưng
là một nỗi buồn vạm vỡ của phận đàn bà
kết tụ lại thành những câu thơ trong và buốt.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lí khi viết rằng thơ của Đạo
Tĩnh “chia sẻ được với rất nhiều người, nhất là những người nhỏ bé và bất hạnh.
Đặc biệt là những người đang yêu và vì tình yêu mãnh liệt, chân thật mà hoá kẻ
dại khờ…” ( Lời bạt cho tập thơ Bùa lá).
30/7/2008
Rút trong tập Vũ Nho - 33 gương mặt thơ nữ,
nxb Hội nhà văn, 2009
Người bình hiểu thơ, hiểu người thơ nhỉ? Rất hay!
Trả lờiXóaCám ơn nhời khen. Nếu nhận thì xin phép nhận một nửa là phần hiểu thơ ( Mà cũng gọi là có hiểu chứ không dám nói hiểu kĩ). Còn hiểu người thơ thì "hổng dám đâu"!
Trả lờiXóa