Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

CHẤM VÀO THƯƠNG NHỚ






Chấm vào thương nhớ…
          Đọc Sương Hồ Tây Mây Tháp Bút của Nguyễn Vũ Tiềm
          Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2011
                                              
                                                 Vũ Nho

Trong bài thơ về danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Vũ Tiềm viết:
          Có chàng hiệp sĩ vung cây cọ
          Chấm vào thương nhớ mờ xa
          Chạy nước rút cuối chặng đường thế kỉ
          Níu giữ buồn vui thần thái phố xưa
                             Bùi Xuân Phái
Khi đọc  hết tập thơ Sương Hồ Tây Mây Tháp Bút, không hiểu sao, tôi cứ hình dung Nguyễn Vũ Tiềm cũng hệt như chàng hiệp sĩ kia, chỉ có khác là nhà thơ không vung cây cọ mà lặng lẽ trước bản phím để Níu giữ buồn vui thần thái phố xưa. Tập thơ  45 bài này hầu như chỉ   tập trung cảm xúc về một vùng quê hương là Thăng Long- Hà Nội. Hà Nội xưa và nay. Hà Nội thực và mơ.  Hà Nội phổ cổ và Hà Nội ngoại thành. Hà Nội trong  nỗi nhớ. Hà Nội trong niềm mong. Hà Nội… Áo trắng Thăng Long, Tháp Bút Đài Nghiên, Trên cầu Thê Húc, Đô Thị Linh Đàm, Ngõ Quan Thổ, Công viên Thống nhất ngày và đêm. Hà Nội trong Một góc bếp Hà thành, Tiệc cưới đường Thanh Niên và Hà Nội Trên mặt thành hai nghìn tuổi. Hà Nội Trước thềm giêng haiHà Nội mùa thu may áo thơ
   Nhà thơ vốn quê ở ngoại thành Hà Nội, sau 1975 sống và viết ở thành phố Hồ Chí Minh đã dành riêng tập thơ này cho thành phố quê hương. Có thể thấy cảm xúc mạnh mẽ của anh, người con của Hà Nội trong đám cưới tưởng tượng ở đường Thanh Niên:
          Vâng, tôi biết!
          Nhưng lòng không cưỡng được
          Trước dịu dàng thanh tú dáng mây bay
          Trước ngan ngát một miền thương mến quá
                             Tiệc cưới đường Thanh Niên
Hà Nội thương mến ngời lên trong mỗi bước đi, trong mỗi gặp gỡ, tiếp xúc. Dù là bên Tháp Bút Đài Nghiên, hay  Trên Cầu Thê Húc. Dù là một nét Ghi ở Bưu điện Bờ Hồ hay nhẩn nha Thơ tranh gốm sứ bờ đê. Mỗi miền quê trong kí ức của thi nhân đều là miền thương nhớ, tự hào. Nhất là quê ấy lại là  Thăng Long – Hà Nội. Ta sẽ bắt gặp nỗi nhớ  những đặc sản :
          Nhớ cháo cái se, giò nem Chèm ,Vẽ
          Qua Gạ, Sù thăm xôi lúa, bánh trôi...
                             Trước thềm giêng hai
Những cảm xúc ngợi ca cũng thường xuyên gặp. Vẻ đẹp của cô gái vô danh trên cầu Thê Húc:
          Mắt của em là cửa sổ để tôi nhìn vào lương thiện
          Một cái đẹp cao hơn cái đẹp
          Một xa xôi khao khát mơ hồ...
                   Trên cầu Thê Húc
Nét độc đáo của bánh tôm Hồ Tây:
          Lá rau, ngọn húng, nụ cười
          Sao trời lạc xuống ngời ngời hoa khôi
          Mời anh hai cái nửa vời
          Một đầy say tỉnh, một vơi dại khờ...
                   Bánh tôm và sao Hồ Tây
Nét đẹp văn hóa của người viết chữ và xin chữ ở Văn Miếu:
          Người viết: nhập thần từng nét chữ
          Người chờ: nhận lộc của nghìn năm
                              Người viết thư pháp ở Văn Miếu
Và đây, phiên chợ quê thời kinh tế thị trường mở cửa:
          Chợ Ninh Hiệp hôm nay
          Vải vóc lụa là nhiều hơn ngô lúa
          Trang phục bốn mùa nhiều hơn sắn khoai
          Xe máy nhiều hơn gà lợn
          Ô tô nhiều hơn trâu bò
         ...
          Đồng quanh làng như hoa ôm nhụy
          Phố giữa làng như ngọc trong trai
                   Một vùng quê ngoại thành
Tuy nhiên, dù tha thiết yêu quê hương, yêu Hà Nội, nhưng không chỉ có những niềm vui, những hưng phấn ca ngợi. Nhà thơ không khỏi có những chạnh lòng, những trăn trở, băn khoăn:
          Ánh đèn pha xắn đêm ra từng miếng
          Cũ – mới
          trắng – đen
          tách – nhập
          mất – còn...
          Sông Hồng thao thức
                   Đêm ngoại thành mơ
Cụ thể hơn về sự thao thức, băn khoăn  về các phạm trù đối lập đó, nhà thơ lo lắng trước “thời gian mối mọt/ Nghiến vào quên nhớ trong ta”:
          Kỉ niệm chờ san ủi
          Hương khói ông bà chờ khoan cắt bê tông
          Búa tạ nện vào kí ức
          Thanh lịch thuở nào vào gầu xúc đổ đi
                             Bùi Xuân Phái
Một người nặng lòng, nặng tình với Hà Nội như thế luôn luôn nhạy cảm với những gì rất nhỏ nhoi, khuất lấp:
          Một run rẩy heo may
          Một hẩm hiu số phận
Và thao thức không yên với dự cảm mơ hồ : Cái điều không gọi được thành tên/ Không cầm nắm được” ( Sao cứ phải thi nhân?)
          Một điều thú vị là nếu để ý kĩ, sẽ thấy Nguyễn Vũ Tiềm có rất nhiều câu hỏi trong thơ. Phải chăng thi sĩ vốn là người hay hoài nghi? ( Tác giả đã viết một tập thơ có nhan đề Hoài nghi và tin cậy). Không hẳn thế. Những câu hỏi trong thơ cũng thể hiện những băn khoăn của người viết từ chuyện riêng tư, tâm linh đến chuyện thời đại:

          Tôi mơ theo mùa, mùa trong mơ
          Em rất thơ, sao thờ ơ với thơ?
                   Giao cảm bốn mùa
          Vô thường hay huyền bí
          Đang vọng về đâu đây?
                   Non bộ ở Hoàng Thành
          Tiếng rao khuya sớm mỏi mòn
           Hay hồn dĩ vãng còn hờn gió sương?
                   Ngõ Quan Thổ
          Bao đê đập cho nền văn hiến?
          Bao lớp kè giữ lấy đức tin?
                   Ngã ba sông
Người đọc cũng sẽ bắt gặp những chiêm nghiệm của nhà thơ từng chiêm ngưỡng những độ cao, những độ sâu, chiêm ngưỡng Kim Tự Tháp, lăng mộ Tần Thủy Hoàng, lăng Lí Thải Tổ, từng : “ Dầm trong vũ thủy, thu phân, sương giáng, đại hàn/ Bưng  lên bát cơm xới đầy thất bát/ Gắp miếng nhọc nhằn đã muối thành dưa” ( Mưa phồn thực và châu thổ sông Hồng). Những câu thơ như đúc kết triết lí, khái quát:
          Sự thật vừa đánh bóng
          Cái giả bỗng phơi bày...
                   Tôi thực và tôi ảo
          Có cái vui đổi lấy giận hờn
Có thành đạt mang đầy tủi hổ
Có giàu sang chất chứa lọc lừa
                   Giải thoát
          Cái còn trong cái mất
          Cái có nảy mầm trong cái không
                             Gọi hồn làn hương cũ
Không chỉ thế, ta còn gặp những thể nghiệm, những tìm tòi đổi mới của thi nhân, khi anh biết rõ : “ Thu nay, những chiếc áo thơ/ Với con số may đo quen thuộc/Đã không thích hợp” ( Hà Nội mùa thu may áo thơ). Tôi thực và tôi ảo. Lãng tử Hà thành kể chuyện, đặc biệt là các bài thơ kết thúc mở như Bói thơ, Bánh tôm và sao Hồ Tây thể hiện sự tìm tòi, bứt phá này. Nhưng tôi nghĩ  dẫu sao thì về cơ bản giọng thơ của Nguyễn Vũ Tiềm đã định hình, một giọng thơ trầm tĩnh, giàu suy cảm, lấp lánh những nét tài hoa...
          Chỉ thấp thoáng đôi lần thôi, tôi bắt gặp từ trắng tay trong câu thơ khuất trong nhiều câu thơ khác. ( Con đường nào cũng trầu cau/ Con đường tôi vẫn một màu trắng tay - Thanh lịch trầu cau. Mơ hồ này đổi lấy mơ hồ khác/ Thì anh lại trắng tay – Sao cứ phải thi nhân?).  Nhưng sao tôi cứ ám ảnh bởi  mấy từ này? Phải chăng đây là sự hoài nghi thường thấy ở người nghệ sĩ? Sự hoài nghi riêng của Nguyễn Vũ Tiềm? Có thể. Nhưng tôi tin rằng, người đã từng viết Thương nhớ tài hoa, người đã viết trường ca Văn đàn bi tráng và làm tập biên khảo Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam  không thể nào tay trắng.
                                                Hà Nội, tháng 8/2011

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét