Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

LANG THANG CÙNG NGUYỄN ĐỨC THIỆN





LANG THANG CÙNG NGUYỄN ĐỨC THIỆN
 Đọc tập thơ Lang thang của Nguyễn Đức Thiện
                                       
                                      Vũ Nho

          Nếu cứ theo từ điển duy danh định nghĩa, lang thang nghĩa là “đến chỗ này rồi lại bỏ đi chỗ khác, không dừng lại ở một chỗ nào nhất định” thì cuộc đời của Nguyễn Đức Thiện không thể gọi là  cuộc đời lang thang, gọi là lang bạt   cũng lại càng không ổn. Thực ra thì anh làm việc ở Thái Nguyên, có đi  bộ đội một thời gian (1972-1976) rồi quay lại Thái Nguyên. Từ 1986 anh vào tuốt Tây Ninh và định cư miết ở đó cho đến giờ. Như vậy, Nguyễn Đức Thiện sống rất ổn định ở hai địa điểm trên hai miền đất nước chứ đâu có lang thang,  lang bạt, trừ thời gian ngắn anh làm phóng viên cho Quân đoàn 2.
          Nhưng  lời đề từ của tập thơ, cũng như trên Blog cá nhân, Nguyễn Đức Thiện chọn mấy câu như là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn viết:
          Ta xé thân ta thành từng mảnh
          Ném vào đời
          Cho trọn cuộc lang thang
Như vậy “lang thang” và cuộc “xé thân” phải được hiểu theo nghĩa bóng. Mà nếu hiểu theo nghĩa ấy thì Nguyễn Đức Thiện quả là một cây lang thang, một nghệ sĩ lang thang thứ thiệt. Anh lang thang với những mảnh đời khác nhau của 7 tập truyện ngắn đã in. Anh lang thang với những số phận của một loạt các nhân vật khác của 7 tiểu thuyết đã in. Anh lang thang trong những thước phim truyền hình Tây Ninh, trong những truyện phiếm, trong tập thơ Lang thang và  trong cả những bài anh viết cho bè bạn…Anh đã lang thang những vùng đất, vùng trời,…nhưng lang thang nhiều nhất là “Lang thang vào cõi lòng người” ( Lang thang).
          Không theo dõi nhiều, nhưng được biết Nguyễn Đức Thiện đến với thơ muộn. Có thể nói là khá muộn so với văn xuôi. Không phải vì căn cứ trên  bài ghi năm tháng sớm nhất là 1994 ( Không đề trang 93) và  5 bài có năm tháng cụ thể cùng được viết tháng 2/2004, mà chủ yếu căn cứ vào giọng điệu và những chi tiết thơ, những trải nghiệm của người cầm bút. Ngay mấy dòng giản dị này cũng cho thấy định hướng của anh:
          “Tôi không có ý định xếp hàng trong dòng người làm thơ đông không kể xiết. Người làm thơ có nghề và không có nghề” ( Hy vọng). Cứ vào những gì đã viết, đã in của Nguyễn Đức Thiện, có thể thấy văn xuôi mới là điều mà anh đeo đuổi suốt đời. Từ thời tập viết trẻ trai cho đến khi  thành danh, rồi đến khi ngậm ngùi “ Thôi đành xa mái đầu xanh” ( Tóc bạc),  Nguyễn Đức Thiện vẫn cặm cụi, kiên trì, bền bỉ với văn xuôi. Không có ý định làm thơ, nhưng cuộc đời từng trải, nhiều va đập, đủ buồn vui, cười khóc  “ Đã bao lần cười khóc trong mưa/ Buồn tầm tã/ Sầm sập vui/ Có cả” ( Mưa) đã tự nó thành thơ. Đúng như nhận xét của  thi sĩ (đã quá cố) Trịnh Thanh Sơn :
          “Thơ Nguyễn Đức Thiện là thơ của một cuộc đời từng trải, ngụp lặn nhiều lần qua nhiều bến đục, bến trong, để  cuối cùng trở thành người đốn ngộ” (Nguyễn Đức Thiện kẻ lỗi hẹn sẽ về). Những trải nghiệm đời sống, những cuộc lang thang bất tận vào cõi lòng người đã khiến Nguyễn Đức Thiện phải tìm đến thơ. Mặc dù anh biết rằng đó là một công việc chẳng dễ dàng gì:
          Tôi vật chữ của tôi ra mà mổ xẻ
          Tìm cho mình một con chữ riêng riêng
                                      Hi vọng
Anh làm thơ vì thấy rằng viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết, làm phim, viết truyện phiếm…vẫn  còn chưa đủ:

          Giữa đêm, giữa những người đang ngủ
          Muốn gào lên thực to
          Sợ người ta bảo mình điên
          Muốn lặng câm nhưng bụng dạ cứ cồn cào
                                      Dạ khúc 2
Anh phải tìm đến thơ vì muốn nói công khai, dõng dạc những nỗi niềm chất chứa:
          Việc gì cứ phải thì thào
          Gào lên một lần xem thử
          Có chết được ai nào
                              Gió
Anh phải viết thơ để  nói to  lên với mọi người rằng :
          Ô hay
          Người sống bên nhau cứ làm nhau khổ
          Khuất mặt thơm tho, gần bên nham nhở
          Sao không như cánh rừng xanh, không như dòng sông, không như biển cả…
                                                          Lời cầu xin của kẻ này
Anh phải làm thơ để đánh động những  “ thản nhiên” một cách vô cảm, vô lí:
          Đường phố ơi
          Người cứ thản nhiên nằm
          Cho người ta giẫm đạp
          Đứa trẻ bụi đời sao cứ ngủ thản nhiên
          Người bán hàng rong thản nhiên ngủ thức
                                                Lang thang
Anh phải mượn thơ ca để chống cách nhìn nhận mòn cũ theo thói quen, theo định kiến :
          Hoa đâu có kém tươi
          Vẫn hương thơm tung tỏa
          Khi không có ánh mặt trời
          Tiếng chim vẫn ngọt thế thôi
          Có ngày không ánh mặt trời
          Có thể
          Vẫn còn nguyên tất cả
          Có sao đâu
                      Khúc bình minh
Yêu cuộc đời, yêu con người, yêu điều thiện, yêu sự công bằng, sự thẳng thắn, trung thực nên Nguyễn Đức Thiện đến với thơ.  Càng đến với thơ, anh càng trăn trở, băn khoăn trước những mớ bòng bong khó cắt nghĩa cuộc sống. Có những hoài nghi, chán nản,  có tiếng thở dài,…nhưng bao trùm lên là một sự lạc quan, một niềm yêu, một niềm tin vào Con Người.
          Là người viết truyện ngắn, nên một số bài thơ của anh mang dáng dấp truyện ngắn, ba bài thơ Mẹ, Khúc bình minh, Quê ngoại được anh  lấy tứ viết thành truyện ngắn . Và anh  cũng đem nhiều yếu tố truyện vào thơ. Chẳng hạn các bài  Thi sĩ, Gặp mẹ trong nghĩa trang, Nhà thơ, Một ngày mưa.  Có thể bắt gặp những chi tiết truyện ngắn sống động trong  thơ:
          Bặm môi – người nông dân
          Chân bước thấp bước cao trên rãnh cày nham nhở
          Những giọt mồ hôi tứa ra bò theo những nếp nhăn
          Lõm tõm rơi xuống lớp bùn ngầu đục
                             Người nông dân
          Em nín thở
          Làm thơ
          Môi bụm chặt
          Ngực căng
          Sợ
          Một tiếng thở dài làm bay mất thơ
                             Hình dung em
Hoặc có khi  gặp đoạn thơ đầy ắp những thông tin-sự kiện:
          Trinh trắng ngắn không bằng cái tặc lưỡi
          Bệnh viện rên lên quá tải
          Báo chí mất nhiều trang
          Loa phát thanh mất nhiều thời giờ
          Truyền hình phải xóa hình
          Khi nói chuyện yêu đương
          Thời mở cửa
                              Ghế đá công viên
           Mối liên hệ giữa thơ và truyện ngắn là mối liên hệ đáng quan tâm ở Nguyễn Đức Thiện. Ngoài việc lấy  tứ thơ viết thành truyện ngắn, đem các nhân vật, chi tiết truyện vào thơ, Nguyễn Đức Thiện còn dùng thơ như là cách thức ghi chép tư liệu, lưu giữ cảm hứng cho truyện ngắn. Trong một trao đổi qua thư điện tử, Nguyễn Đức Thiện viết : “Có lúc những ý tưởng, cảm xúc chợt ùa đến, văn xuôi không thể làm được việc ghi chép, lưu giữ ý tưởng, cảm xúc đó. Vì vậy tôi mượn thơ để ghi lại. Dùng nó mà lưu lại những gì đã thấy, đã xúc động để làm tư liệu cho văn xuôi sau này. Nhất là tôi không có thói quen ghi chép khi làm nghề” ( Thư gửi ngày 19/6/2009).  Điều này làm chúng ta nhớ đến cách làm tranh của nhiều họa sĩ. Đi thực tế, họ kí họa đã, kí họa càng nhiều càng tốt. Rồi sau đó mới từ những chất liệu phác thảo của kí họa mà dựng thành tranh. Tuy nhiên, chỉ mới thấy trực tiếp ba truyện ngắn lấy tứ thơ để viết của Nguyễn Đức Thiện. Trong khi đó anh đã in những bảy tập truyện ngắn. Nhiều truyện gân guốc, dữ dội, ngồn ngộn những chi tiết sắc sảo. Phải chăng, thơ lúc ấy không phải chỉ là tư liệu trực tiếp, mà nó  còn là và chủ yếu là tư liệu cảm hứng làm cho văn xuôi Nguyễn Đức Thiện thăng hoa?
          Câu thơ Nguyễn Đức Thiện như là câu nói chứ rất ít khi anh “bắt chúng thẳng hàng”. Những câu nói giàu thông tin, nhịp điệu, phản ánh cái nhìn tinh nhạy, sắc sảo của người làm báo, viết truyện có nghề nên có một vẻ riêng. Chúng có vẻ đẹp thô nhám và tươi ròng sự sống. Tất nhiên, nếu chúng được  tác giả tiết chế hơn, gia công hơn thì  sẽ càng tăng thêm sức lôi cuốn, hấp dẫn.
          Thơ Nguyễn Đức Thiện là thơ của người sống hết mình, sống mãnh liệt, sống xả thân. Anh lang thang hồn người, hồn ta. Anh lang thang để tìm ra chính mình. Tôi nghĩ rằng bạn đọc của anh phải đọc thơ anh mới hiểu thấu được Nguyễn Đức Thiện trong những thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện phiếm…Những người nghiên cứu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đức Thiện nhất thiết phải đọc thơ anh. Đó là phần máu thịt của đời anh, đó là phần “long lanh hồn người” mà anh kí thác.
                                               
                                                          Hà Nội, mùa nóng 2009


         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét