Ốc gió (1)- TRẦN CHIẾN
Bên mẹ tôi gốc lâu đời ở Hà Nội. Và bên ngoại toàn những người như tôi đã viết về cái anh thị dân sống đã dăm, bảy đời ở Hà Nội: Tài hoa, thông minh, lười biếng mà cũng hay sợ sệt, ngại đấu tranh lắm. Họ là những người luôn chọn những công việc chuyên môn mà làm…1.
- Nhớ tận hưởng cuộc đời, an toàn và trả đúng phép. Đi nhá!
Anh Đích đập vào mấy bàn tay giơ cao, giống đám cầu thủ thường làm trên ti vi sau khi ghi bàn. Anh sẽ về xứ bán sơn địa ôm vợ, đọc “thứ nhất rượu say ngà ngà, thứ nhì công tác đường xa mới về”. Trường dặm vào những cồn cát ven biển, với mẹ từ lúc sinh ra đến giờ chả nhìn thấy gì ngoài cát. Sang có ít ngày cùng ông bố hậm hụi trong xưởng sửa ô tô, ngồi đến khuya với bạn cũ chỉ một chai pép si, nếu có con gái thì thêm khô mực. Niềm vui đơn giản, cụ thể lắm, dù ba trăm sáu mươi đêm rồi chỉ ao ước phép tắc sẽ làm gì. Phấn thì càng tù mù. Tận hưởng cuộc đời thế nào đây khi mà ta vừa có tự do vừa có tiền, không vung vinh nhưng không đến nỗi phải tằn tiện quá?
Đảo Mang Mang rộng hơn trăm mét, công binh gầy lên ụ bê tông từ đá san hô, bên trong có hầm vũ khí, lương thực, máy thông tin. Chỗ sinh hoạt bên trên ngất ngưởng, đã thưng kính mà lúc nào cũng phừng phừng gió, ban ngày chói chang. Đóng một tiểu đội nhưng chỉ huy tận trung úy. Anh Đích “đảo trưởng” tốt nghiệp sĩ quan hải quân coi sóc ra lối nửa gia đình, sáng ra khua cả bọn dậy thể dục, thét “Thằng Trường thẳng người lên. Sáng ra đã “đi tìm chổi” thế à?”. Giờ cơm sáng nhắc Sang ăn chậm thôi, đừng áp dụng chiến thuật “đầy đầy mặn” hết suất thằng khác. Nhưng cũng chuyên nghiệp ra phết, nghĩa là lúc nào cũng lo cho quân có đủ việc, không cảnh giới thì lau vũ khí hay xới xáo mấy mảnh vườn bé bằng manh chiếu, tối đến nhất tề xem thời sự ti vi rồi hát. Lính, để rỗi rãi nó sinh lắm chuyện. May là lúc rút đi, công binh vứt lại những mảnh tôn, đem quây chắn gió cho cây rau mọc lên, không thì chỉ huy đến phải bắt chiến sĩ bê đảo đi lại cho đỡ rồi việc. Và có Ky, Quýt, Bống, ba con chó cái ôm đồm đủ các chức năng như chó nhà quê, kiêm thêm tha cá từ ngoài xa vào bờ. Để chơi thôi, chứ cá thiếu quái gì.
Ngoài biển và mặt trời rất thực, đảo tồn tại một tình trạng khác như là ảo mà rất khó chịu: chả ra thời chiến chả ra thời bình. Đang tranh chấp mà. Cách hơn cây số là nhà giàn đối phương ba tầng, có lẽ đóng cả đại đội. Pin mặt trời tha hồ nạp, ban đêm sáng trưng một vùng. Trang bị ác, chắc thế. Và tàu nó cứ lượn lờ, lắm lúc đang lượn thì xầm xầm đâm vào đảo ta, khiêu khích thôi nhưng thần kinh không lỳ không được. Bắn trước là “xong” với nó ngay. Mang Mang là tiền tiêu rồi, nên lính tráng phải toàn loại “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng chuẩn thế nào thì cũng vẫn con người, lỳ quá cũng có lúc rão ra lâu lâu mới hồi lại, như bị đùa dai đùa nhả.
Phấn năm thứ hai đại học thì đi nghĩa vụ, được anh Đích dành cho vài biệt lệ. Ngày ra đảo, người khác bộn bề đồ nghề bắt cá thì cậu lễ mễ hòm sách, nào truyện ngắn, tiểu thuyết, nào từ điển, giáo khoa, lại cuốn nhật ký. Sự riêng tư không nhiều, ghi chép hàng ngày khí dị biệt, có khi còn bị đem ra “soi” chung, nên sổ thành cuốn vở học ngoại ngữ là chính. Ngày đôi tiếng, Phấn được phép ngồi dưới gốc bàng vuông đã cưa ngọn để không chắn góc bắn, giở giấy vở ra. Đôi lúc Phấn thừ người nhìn theo khúc củi đang hụp lặn giữa sóng xanh, anh Đích đi qua lơ đi rồi quay lại dậm dộ Sang: “Mầy choành chọe thì đừng hỏi nó sao con cò có sức vượt mấy trăm cây số ra đảo nữa nha”. Giờ đi ngủ, anh bắt Phấn đọc sách dưới ngọn đèn sạc cho cả tiểu đội nghe. Khi sách hết thì đọc lại, đến nỗi Phấn thuộc làu tiểu thuyết “Ba người bạn” của ông nhà văn Đức. Khi nào chán nghe chán cả đọc, bèn chuyển qua từ điển, nó có tác dụng ru ngủ nhanh kinh khủng, mà vốn liếng tiếng Anh của Phấn càng dồi dào.
Nhưng cũng có những đêm dài ra phết. “Tao nhớ cái đít vợ quá, sao mà nó nhẵn còn hơn da em bé”, Đích bảo. Tiểu đội kêu rinh sao những Hoa Hạnh Hồng Đào báo Tiền Phong cho địa chỉ dạo này không viết thư cho chiến sĩ biển nữa hay đã lấy chồng cả rồi. Đảo trưởng hét “Ngủ đi, không lơ mơ lung tung nữa. Ngày mai thằng Tấc nấu cá cóc nhớ bỏ cái mật, nghe không?”, vẫn trằn trọc. Phấn không viết thư cho Hạnh Hoa Đào Hồng nào, cũng chán món canh cá cóc lắm rồi, nhưng vẫn phải nghĩ về phụ nữ. Dáng hình nào thì cũng giống mẹ với chị Nếp cả, sao cứ là mật ngọt cho đời, để ta phải tơ tưởng thế này thế nọ.
2.
Nhà tàu báo sáng mai có chuyến ra Bắc. Phấn không thích xe khách, ti vi đưa rất lắm hàng “cơm tù” dọc đường, nhưng cái chủ yếu là chả đi đâu mà vội. Quê hương chắc còn cũ hơn hai năm trước, đàn ông đi tiệt, đàn bà lo hết việc cầy bừa, ruộng không phân cho người mới thì vào hết dự án, còn bao nhiêu đâu. Phấn cũng chưa báo cho mẹ và chị Nếp, muốn dành sự bất ngờ. Vậy là còn hai mươi tiếng, sẽ lững thững một tý, ăn ngon mồm rồi tìm nhà trọ đừng xập xệ. Cậu có tiền, phụ cấp binh nhất mười hai tháng đâu ít, nhưng cũng không thể ở khách sạn. Sau mười hai tháng không tiêu pha, rất nên tự cho phép thè lưỡi ra nếm cảnh người ta tận hưởng cuộc đời thế nào. Mình đã ở bên ngoài cái cuộc đời này mười hai tháng kia mà, để canh giữ cho nó, như thủ trưởng tuyên huấn quân chủng đã dặn, và anh Đích nhắc lại hàng tinh mơ.
Thị trấn du lịch, giờ mới biết rất to, và đẹp lắm. Quân cảng gần đấy nhả ra những quân nhân đen nhẻm, chắc nịch, nên anh lính đảo về, khoác ba lô đi trong dòng du lịch chả mấy ai để ý. Ngoài ga có dẫy phố bán đồ nghề đi biển, người ta mời mua. Hôm sắp đi đảo, cả trung đoàn lính mới túa ra đây mua lưới, cước, kính lặn có ống thở, mỗi người được tặng cái lấy ráy tai. Kể cũng phí phạm, ngoài ấy không khí sạch sẽ, đâu ra ráy tai mà ngoáy lắm, sao không tặng ti vi hay cái điện thoại, hơn không.
Xôn xao trò cò quay, túm tụm cờ thế, gã thua rũ túi chửi “Toàn một lũ bịp bợm”. Qua dãy biệt thự tinh tươm ngoài vườn có chảo ăng ten trắng toát, những khách sạn cũng tinh tươm, trắng toát, Phấn gặp biển. Dọc bãi nườm nượp người, xanh đỏ ô dù trắng tím phao bơi bóng bay. Đàn ông ôm điện thoại tách ra, lúc hùng dũng giơ tay chém đứt đôi ngọn gió, lúc hạ giọng ướt rượt, đàn bà ngầy ngậy lo thay xống váy hơn xuống nước. Khó nhìn nhất là đám gái trẻ. Những thịt da chân cẳng trắng đến rức mắt, nhưng đâu phải dành cho mình, nên cậu tìm cái ghế đá chỗ khuất một tý ngả ba lô. Bữa sáng khá muộn ngoài ga để lại vị đậm trong mồm, khiến cậu nhớ thuốc lá. Điếu Ngựa mua lẻ, hơi đầu tiên sao mà tê mê cuộc đời. Cái gì cũng như là gặp lại lần đầu, như lần đầu hút thuốc, lần đầu uống rượu, đều “phê” khủng khiếp. Anh Đích bảo cưới ba năm mà về phép gặp vợ cứ như lần đầu, khiếp thật. Chả biết mình gặp người con gái để yêu thì sẽ “dậy” đến đâu. Nhưng tính đến đấy xa quá. Tôi đang ở bên lề, tôi xem các người thế nào, và tôi kể cho các người nghe cái tôi đã trải qua mười hai tháng qua, mười hai tháng Lê Văn Phấn đóng binh nhất, sau kì nghỉ phép này lên tiếp hạ sĩ, ngài hạ sĩ ra ngoài biển rất khơi xa, ngoài tầm nhìn của các vị du lịch và đợi tầu ngoài ga, để bảo vệ các vị. Thi vị không? Thi vị đấy chứ!
Phấn lôi con ốc gió từ ba lô, đưa lên miệng. To bằng nắm tay người lớn, trắng ngà, nó có những vệt nâu, thổi thật khéo bật ra tiếng u u như còi tàu ngoài kia, thật xa, vọng vào. Sang có thể động đậy ngón tay tạo nên những tiếng thanh tu huýt, tiếng trầm như tù và, rất linh hoạt. Nhưng Phấn chỉ tạo ra tiếng u ơ thôi. Kể rằng trong chỗ hơn trăm mét vuông nhô lên từ lòng biển ấy mặt trời rất chói, mở mắt to quá sẽ lòa mất, nên lại phải nhìn xuống nước. Mà nước không có bờ thì lúc nào cũng vòi vọi, lúc dễ gần lúc hung hiểm. Rằng ti vi chỉ xem vê một, rất chóng bị mặn ăn, nên lính tráng phải đi xuồng qua chòi hải đăng xem nhờ, có khi chỉ nói chuyện. Mỗi lần vậy lại dán mắt vào đám ảnh dán trên vách, đa phần con gái, tuy không lõa thể cả nhưng đêm không thể không nghĩ tới. Những giấc mơ đẹp ấy thường gắn với chiến trận. Cách có một giờ bơi, nhà giàn đối phương sáng lòa, súng ống đâm tua tủa, phát hỏa có dễ nhận chìm cả tiểu đội mình. Kể rằng… Mà các người cứ tí tởn trắng toát thế kia, những lời tôi tai nọ tuột sang tai kia thôi. Tôi, từ vùng biển tranh chấp trở về…
Nhưng mà lại có người chăm chú vào. Cô bé ba tuổi ôm búp bê, tay mân mê cái ba lô của cậu, đôi mắt đen láy chằm chặp nhìn, dễ thương không thể tả.
- Cháu tên gì?
- Em có dép.
- Cháu thích ốc à?
- Em bật đèn.
Những hỏi đáp âu yếm bay lượn, đỗ xuống. Ghế đá bên kia có cặp mắt ấm cúng gửi sang. Người mẹ, chắc thế, nhan sắc trung bình, đủ để đi qua quay lại nhìn một lần nếu ở chỗ đông đúc. Nhưng gương mặt níu giữ ở đôi mắt có quầng, như một vệt đậm dán vào. Ốc gió thổi lần nữa thì cô sang. “Con để yên cho chú ngồi”, miệng nhắc nhưng không dời đi.
- Không sao đâu, tôi thích cháu mà.
Phấn nói, bỏ ba lô xuống đất. Người mẹ trẻ chần chừ rồi ngồi xuống, cười tươi tắn. Tiếng ốc gió dịu hẳn, không còn hờn trách thiên hạ, mà vấn vít như cho mẹ con chị Nếp nghe.
- Chắc anh ngoài đảo về phép, đang đợi tàu Bắc?
- Vâng. Chị cũng đợi tàu à?
- Em cũng chưa biết có nên ra. Việc chưa xong, ở lại mệt quá.
- Chưa xong thì việc gì mà ra – Phấn ái ngại. – Kể thì mẹ con đi lâu cũng vất. Chị nhà đâu?
- Em Phú Thọ, về phải đáp hai lần tàu, bà ngoại cháu đang ốm mà chưa ra được.
- Tôi có thằng bạn ngoài đảo, bảo có thì giờ về thăm nhà nó trên Phú Thọ, cũng chưa biết thế nào. Mà ông xã đâu mà chị phải mang con đi xa?
Có cái gì trôi ra, như thể thở dài, làm Phấn phải quay sang. Đôi mắt bên ấy thăm thẳm ra biển, mi rất cong, làn phấn đánh nhẹ che không hết nốt tàn hương. “Biển có đẹp không anh?”.
- Thì nó cũng lúc đẹp lúc không. Vui nhất là buổi chiều, trừ người gác, cả đảo nhảy xuống tắm.
- Có người viết lính đảo tắm như một lũ trẻ, em đọc đâu đấy.
- Kể cũng đúng. Nhưng lũ trẻ ấy tắm trong tầm súng bên kia. Chị có biết hát mười hai không? Pằng pằng! Có khi chưa nghe gì đã nát như tương.
- Thế thì sợ thật. Các anh phải dũng cảm lắm.
Sự cảm động rất đàn bà khuấy động những sâu xa trong chàng trai. Phấn sôi nổi kể đảo nuôi chó, nó cứ bơi sang bên ấy rồi lại bơi về, rằng bắt cá cho đỡ rồi việc thôi, lôi lên lại thả xuống ấy mà. Câu chuyện lúc trỗi lên, lúc im lìm, người ấy ra điều rất muốn nghe, biết nghe. Đến đoạn anh Đích nghiêm thế mà cũng nhớ vợ không chịu nổi, thì bên kia bảo: “Anh có chỗ ở chưa? Chỗ em trọ cũng rẻ, mai ra tàu tiện. Tối có mươi ngàn là ăn được. Anh mà có vợ chắc yêu vợ lắm nhỉ”.
- Sao chị lại bảo thế?
- Em tên là Ngọc. Đừng gọi là chị. Là em cứ đoán thế thôi. Con em nó quấn ngay anh thế là biết anh sẽ yêu gia đình lắm. Thế anh tên gì?
- Tôi Phấn. Nhưng sao… Ngọc bảo tôi chưa vợ?
- Đàn bà mà anh.
Tiếng cười trong veo bật ra rồi thoảng đi, như thể không nên cười như thế. Im ắng hồi lâu, con bé ngọ nguậy, mẹ nhắc nhở chú bảo không sao không sao. “Cháu nó tên là Nhâm anh ạ, em đặt đấy, tên không kêu cho sau này đỡ vất như mẹ. Anh không biết đâu. Em bất hạnh lắm. Vất trăm đường. Em còn thằng anh nó đang để ở nhà trọ, mẹ con buồn quá dắt nhau ra đây chơi”. Đến đây thì Phấn biết thế nào mình cũng theo Ngọc về chỗ ấy rồi. Có gì đó gần gũi, như đang chơi với mẹ con chị Nếp, lại tồi tội, trắc trở gì đó.
Họ đứng dậy. Phấn ôm bé Nhâm vì nó cứ đòi, đi sau Ngọc đeo ba lô. Giờ mới thấy dáng cô nhìn được lắm, cao nhưng mềm mại, hông lắc không tự nhiên vì gánh nặng trên lưng nom vừa ngộ vừa gợi thương gợi xót, không thể nói là không làm máu chạy mạnh hơn.
Đêm tàu nhặt quân từ các đảo về dừng ở vịnh để sáng ra cập quân cảng, cảnh tượng vô cùng nô nức. Thuyền câu mực như sao xa xung quanh, lại có các thuyền hàng bé tẹo, mang cóc, ổi, rượu lại gần, lộ dần những thân hình mềm mại. Lính tráng, tiếng là lính biển nhưng chỉ ở trên đảo, không mấy anh không say, nhịn đói đến chết không dám ăn gì. Giờ vào chỗ nước lặng, cả bọn túa ra tìm nước sôi chiêu mì tôm rồi ra mạn ngó nghiêng, náo nức quá trẻ theo mẹ đến chợ.
- Các em ơi anh đã về đây!
Một giọng Quảng Bình khê nồng lạc đi, rơi tõm xuống vịnh đen ngòm, làm ai nấy nắc nẻ. “Thằng đó điên rồi!”. Nhưng khi Sang, giọng ca của đảo Mang Mang lên tiếng thì cả tầu lặng đi. “Lồn ơi”. Cả vùng nước đêm rừng rực cháy lên. Đờ đẫn, sững sờ đến khi thuyền trưởng thét “Thằng nào đó?”. Chuyện nhớ ra làm Phấn nóng ran, nuốt khan nước bọt. Thôi không nghĩ xa, chỉ biết mình sẽ có một không gian đợi tàu có thể ầm ỹ, tốn kém nhưng thân thiện, còn hơn canh ti vi rồi ngủ khoèo. Đất liền có nẻo ấm áp chứ chả vô cảm như đám khách trắng hếu ngoe nguẩy ngoài kia.
3.
Chỗ trọ ở đường Lò Vôi, xưa nữa là xóm Lò Vôi. “Em cũng lạ. Xứ này có núi đá đâu mà có lò vôi”. Nghe Ngọc nói, Phấn lầm bầm rồi giải thích không mấy tự tin: “Có lẽ là vôi hàu, người xưa đập vỏ ngao vỏ ốc ra trộn với mật mía với muối có khi với cả rơm nữa, làm vữa xây nhà, những ngôi nhà đứng vững trước gió biển cả trăm năm”.
- Sao anh biết? Anh chả giống những anh bộ đội khác.
- Lính sinh viên mà. Ra đảo vác cả hòm sách. – Phấn nói, không nhắc chuyện có lúc tiểu đội phát điên giữa trời nước, cả anh Đích, còn mình rúc trong hầm đạn với từ điển.
- Anh chăm nhỉ. Thích thật.
Ngọc quay hẳn lại, nhìn chăm chăm vào gương mặt xạm nắng làm Phấn phải lảng tránh. “Anh đặt cháu xuống cho đỡ nặng, sắp đến rồi”, đôi hông lại đu đưa trước mặt. Lướt qua ông kéo xích lô, bà nắm than, cô gái đèo hải sản, những gương mặt của một xóm lao động. Dưới gốc trứng cá lăn lóc hai vỏ chai rỗng, ba lão xồm xoàm đều tới cả mà quả cóc gặm còn nham nhở thịt. Từ mái hiên thằng bé chạy ra nhìn chằm chằm rồi vụt vào. “A ha, phi công trẻ lái máy bay bà già”. Tiếng đàn bà la: “Thằng mất dạy. Láo lếu nó quen!”. Cả hai lơ đi như không nghe, không thấy bé Nhâm cười toét miệng. Trên đầu họ những tán bàng xanh lọc không cho nắng chói quá, nhưng đủ để tiếng ốc gió còn vi vút.
Nhà nghỉ Hương biển năm tầng, quét vôi xanh như mầu áo đội tuyển Italia, cách đường một khoảng sân. Giá khá rẻ làm nỗi băn khoăn binh nhất bay biến. Thằng bé lễ tân có vẻ ngạc nhiên thấy Ngọc dẫn khách về. Cái phòng nó chỉ ở tầng trệt ẩm thấp, chăn chiếu nhớp nháp, kể chả là gì với người đã ở cả năm ngoài biển, hơi muối chỗ nào cũng dính dáp. Nhưng tấm đệm rẻ tiền bốc lên mùi khăn khẳn, ngủ thế nào được. Nghe Phấn hỏi “Còn chỗ nào khác không?”, nó đưa lên cầu thang, mở cánh cửa chỗ chiếu nghỉ: “Nếu mà bằng giá thì chỉ còn đây thôi. Vệ sinh dùng chung. Nhưng phải dọn qua”.
Đấy là chỗ cho nhân viên dọn phòng, giặt dũ nghỉ, chắc thế. Bừa bộn đồ phơi, ấm nước, bàn là, giường trải chiếu sơ sài, nhưng sáng sủa và không khẳn mùi. Nhìn cửa sổ trông ra bờ vịnh, Phấn bỏ ngay ba lô xuống. Ngoài kia nước lặng, những vệt sóng trắng biến chỗ này lại hiện chỗ khác. Thấy Ngọc băn khoăn nó không ra cái phòng nghỉ, cậu bảo giống phòng trọ sinh viên ấy mà. Cô bèn bắt tay vào dẹp đồ đạc, lấy giẻ lau thật kỹ sàn gạch, làm mọi thứ tinh tươm hẳn.
- Em ở tầng bốn, phòng bốn linh ba. Em cho cháu lên ngủ, có gì anh gọi…
Ngọc đón bé Nhâm từ tay Phấn. Những đụng chạm mềm ấm, mùi da thịt ngầy ngậy làm anh lính bần thần. Đóng cửa nằm xuống duỗi dài, trần nhà bỗng chòng chành, chóng mặt không thể tả. Phấn muốn dậy lần ra phòng vệ sinh nhưng đầu quay vù vù, ốc gió rin rít, bao nhiêu thứ ăn ngoài ga tháo ra chân giường cả. Trong lúc người ngợm nhão ra, có gương mặt cúi xuống, vệt tối chỗ mắt điểm trên làn da sáng. “Anh cứ nằm. Con đừng quấy chú, chú đang mệt. Uống nước gừng nóng đi này”. Giọng nói lúc xa lúc gần, không phải của chị Nếp. Bàn tay đặt lên trán mát quá, mát hơn nước biển ve vuốt ngoài kia.
4.
- Say đất ấy mà. Ai ở tàu mới lên bờ cũng bị, nhưng ít người say chậm như anh. Rồi anh khỏe ngay thôi, mai tàu xe vật thoải mái!
Ngọc bật đèn, hí húi lau chỗ sàn dưới chân giường, nói thêm như thể thanh minh sự quan tâm của mình: “Con bé nó cứ đòi xuống chú thổi ốc”. Trong ánh ngày nhập nhoạng, mọi thứ trở nên sáng choang làm Phấn tự dưng thấy ngượng. Đang mình mẩy dơ dáy quá, lại ở trần, bèn hỏi lãng đi: “Sao chị biết say đất? Chị ở Phú Thọ xuống kia mà”.
- Em lạ gì. Lính đảo về ai chả vậy. Mà anh đừng gọi “chị”, hơn kém nhau tý chút, gọi “em” cho gần. Anh cần dậy đi lại tý chút đấy.
- Là vì tôi chưa quen. Bạn nữ cùng học toàn mày tớ, mấy năm nay có nói chuyện với phụ nữ đâu. Ta đi ăn tối nhé. Ngọc dắt tụi trẻ đi cho vui. Tôi mời.
Phấn chuyển “kênh” dứt khoát rồi vớ khăn mặt ra cửa. Trong phòng tắm chung của khách bình dân, cậu kỳ cọ rất kỹ, vừa phì phì thở vừa cân nhắc chỗ ăn, sao khỏi lúi xùi mà đừng hao quá, cái “khoản” binh nhất. Nghĩ tới nghĩ lui không tới, câu “tận hưởng cuộc đời đi” của anh Đích lại đỗ xuống.
Trời tối hẳn thì họ ra đường. Ngọc trang điểm thoang thoảng, nốt tàn hương không còn nhưng mắt quầng không che nổi. Mà thế hay hơn, Phấn chúa sợ những gương mặt đã héo úa phấn đắp dày quá vôi. Nghe Ngọc bảo tụi trẻ đi quậy lắm, em đã cho chúng nó ăn rồi, em thích nói chuyện, cậu thấy nhẹ tênh. Cuộc sống đẹp và khó lường thật, ai mà ngờ vừa lênh đênh, trước nữa buồn đắng buồn cay mà giờ lại bên người con gái, tuy đã qua xuân thì nhưng giọng nói nhẹ nhẹ, dáng điệu cử chỉ mềm mại chứ không thô cứng lính tráng. Phấn thấy mình khắc khổ quá, sao cứ níu nít về túi tiền còm, sao lời lẽ ra không phải thủ trưởng thì cũng lại của đồng đội. Sự rung động làm cậu cứng ngắc, chỉ “Ờ” khi Ngọc bảo có chỗ này ăn được mà rẻ anh ạ.
Quán nhỏ tươm tất đề “Oanh Xướng – Hải sản vừa bán vừa cho”, không có bể kính tung tăng tôm hùm cả cân với cá song đắt đầu bảng. Khách là dăm ông xe ôm lai rai khô mực, ai đó vừa đắt con đề chắc, đám thanh niên nông thôn về học nghề bụng lép mà mơ xênh xang, hai cô xanh lơ tim tím. Mỗi bàn trống trong cùng, cạnh chỗ nước chảy, ướt át và thỉnh thoảng xộc hơi lờm lợm, nhưng còn là may. Dứt khoát như trong phim, Phấn kéo ghế cho Ngọc ngồi, hỏi cô ăn gì.
- Sò lông đi anh ạ. Một cân ba chục con hai nhăm nghìn. Đĩa ngao cũng thế, vùng này có bãi ngao.
- Sao không sò huyết đi! Sò huyết ngon hơn.
- Em sợ hết tiền của anh. Về phép phải mua quà cho u chứ.
- U có phần rồi. Cũng không cần phải tiết kiệm quá đâu.
Phấn gọi bà quán, dứt khoát nhất trí trăm phần trăm đĩa sò huyết nướng xong đĩa ngao hấp cuối cùng bát mỳ ăn liền nấu rau cải thịt nạc nhé. Cái “Vâng” quá nhỏ nhẻ, rồi chị ơi cho em nhiều ớt tươi với nước gừng nóng với cả sa tế nhé nhưng mà hết món này rồi mới sang món kia kẻo nguội đấy. Họ nhìn nhau đồng lõa, “thực đơn” vừa tươm tất vừa không phải chi đậm quá, đủ hứa hẹn câu chuyện “đi” được êm đềm. Chà, câu chuyện mới là cái chính chứ, Phấn nghĩ, gọi thêm rượu gạo. Đám du lịch ngoài kia nhậu một bữa bằng cả tháng phụ cấp của mình, chắc gì đã được hạnh phúc hơn. Ngồi trong góc thế mà hay, chả phải “hả hả” hét lên mới thủng được câu nàng nói, cái dí dủm định ra phải nhắc lại hai ba lần thì xìu rồi.
Bát nước chấm đậm gừng ớt, đĩa muối chanh quệt sa tế chả mấy chốc có tác dụng. Lông mày Ngọc đỏ lên, nước mắt dàn dụa, suýt soa suỵt soạt không thể dừng. “Anh ăn đi chứ. Vỏ bên em bằng ba bên anh đây này, ngượng quá”.
- Đồ biển ăn mãi rồi.
- Ngon quá. Em có thói xấu ăn quà như mỏ khoét, thấy ngon là không thể dừng. Ngon quá. Sao lại cười thế?
- Ấy giống cô bạn học của tớ.
Phấn đổi cách xưng hô, châm điếu thuốc thứ hai kể từ khi lên bờ. Kiểu này cậu dễ hút trở lại lắm, sau một năm nhạt miệng.
- Cô ấy giờ vẫn đợi anh chứ?
- Lấy chồng lâu rồi. Tớ thích cô ấy, chỉ là thinh thích thôi.
- Anh thích nhiều cô không?
- Cũng có. Đúng ra lúc thích lúc không, không thích rồi lại thích rồi lại thôi.
- Em tò mò tý. Nẫy anh bảo có phần cho u, là gì vậy.
- Con ốc gió ban sáng đấy. U chỉ cần mình ở nhà, suốt ngày hỏi ăn gì có mệt gì không, chưa hết phép đã rầu rĩ.
- Anh ra đảo u lo lắm nhỉ?
- Chuyện! Nghe đài đọc báo thấy tranh chấp biển căng thẳng lại phát ốm. Mà mình thì có thấy gì đâu. Xác định “nó” đông hơn mạnh hơn, sang thì pằng pằng hết đạn là xong.
- Sợ thật.
- Sợ cũng chả được. Ngán nhất là đơn điệu. Cả ngày nhìn biển có mà phát điên, nên chỉ huy suốt ngày nghĩ việc, không đọc báo thì học hát. Nhà thì bóng líu cứ lau mãi, súng ống cũng thế. Vườn rau bằng manh chiếu, lá lên bằng cái tăm chùi đi chùi lại. Nói chung ở đảo xong thì thấy quý cuộc sống lắm, sau này cuộc sống nó hắt hủi thế nào mình cũng chịu được. Cuộc sống tươi đẹp thật…
- Thế anh sẽ trở lại đảo chứ?
Câu hỏi làm Phấn phải ngẫm ngợi. Cặp mắt xẫm bên kia rất thúc dục.
- Có chứ. Nhưng sao hỏi vậy?
- Thì cuộc sống đẹp…
- Đẹp thì mình mới ra mà giữ. Mình không giữ thì ai giữ. Với lại sáu tháng nữa lại được cục tiền, quay về trường đỡ lo vừa học vừa làm thêm.
- Anh thấy nhọc không?
- Sao không! Nhưng đoạn nào biết đoạn ấy, lo trước làm quái gì. Mơ nhỏ nhỏ vừa tầm với thì dễ thỏa mãn, thế thôi.
- Anh rót cho em tý ty. Nào, uống vì cuộc sống đẹp.
…
Chép từ Blog của BÙI KIM ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét