Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

ẤN TƯỢNG THƠ NGUYỄN ĐÌNH HƯNG

                    Đường Văn
ẤN TƯỢNG THƠ
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
(Qua tập Em qua vườn Anh; NXB Hội Nhà văn, 2014)
ĐƯỜNG VĂN

1.     Sòn sòn năm một: Những đứa con khỏe, đẹp, mượt mà!

              Lần đầu, cũng đã cách đây vài năm, tôi được đọc thơ Nguyễn Đình Hưng trong tập tuyển thơ chung có cái tựa đề rất quen thuộc nhưng vẫn đầy hấp dẫn: Hòa thơ vào rượu do anh làm chủ biên. Sách tập hợp hơn trăm bài thơ, chuyên chú về một đề tài rất cổ mà luôn mới: thơ và rượu, hòa rượu vào thơ, hòa thơ vào rượu của nhiều tác giả cả nước và nước ngoài. Trong tập thơ dày dặn, thú vị ấy, Nguyễn Đình Hưng góp vào hơn chục bài mang phong cách trữ tình riêng khó lẫn, không chỉ so với các bạn thơ Thái Nguyên của anh mà còn không giống ai trong thi đàn thơ rượu – rượu thơ đất Việt. Tôi đã có sẵn vốn cảm tình và quý mến người bạn thơ vong niên tỉnh Bắc từ buổi sơ ngộ ấy, cho đến hôm nay, vì đường xa, sức mỏi, chỉ mới được văn kỳ thanh mà bất kiến kỳ hình! Tôi vẫn rất mong có ngày (chưa biết ngày nao, bao giờ!?) anh em mới được cùng nhau đối ấm, cùng bàn phiếm về thơ, về rượu, về thế thái nhân tình!...
              Nguyễn Đình Hưng đang ở giữa tuổi U80 (sinh năm 1940); nghĩa là đã qua cái tuổi cổ lai hy từ lâu. Vậy mà hồn thơ trữ tình vẫn còn láng lai, sung sức lắm, chẳng thua gì mấy gã thiếu niên, mấy chàng thanh, trung niên thi sỹ ở các câu lạc bộ Thơ Mùa thu  xứ Thái hay Văn hiến Hà Thành hoặc Đông Ngạc, Hương Chèm chúng tôi!... Minh chứng là, không kể các tập thơ in chung, từ năm 2007 đến nay, đều đặn như vắt chanh, hầu như năm nào anh cũng cho ra mắt 1 tập thơ  riêng, không mỏng, không dày, cỡ trong, ngoài 50 – 60 bài thơ trữ tình các kiểu:
              Ngọt ngào (2007), Một nửa (2008), Đánh thức (2009), Lời ru của trăng (2010), Về bến neo (2011), Thủ thỉ cùng măng (tập thơ thiếu nhi, 2012) và năm 2014, với tập Em qua vườn anh. Nếu ví việc sáng tác thơ như con gà đẻ trứng thì có thể nói theo Xuân Diệu: Cục ta cục tác/Đẻ quả trứng này, Ta còn trứng khác (Trưa ở xã Thịnh Lang). Nguyễn Đình Hưng như người đàn bà mắn con, sòn sòn năm một. Đọc các tập thơ của anh (thường gửi tặng bạn thơ xa qua đường bưu điện), thấy tập nào – đứa con nào của anh, dù trai, dù gái, thảy đều khỏe mạnh, hồng hào, đẹp đẽ. Anh là một người mẹ tốt nái và hạnh phúc với đàn con đông đúc của mình. Từ quận mới Bắc Từ Liêm, Hà Nội, những bạn già yêu thơ làng Trèm chúng tôi xin chúc mừng anh, người thơ của đất Thái nguyên bên cạnh sông Cầu lịch sử.

              Nhưng hôm nay, trong khi tôi chưa có điều kiện viết về tất cả các tập thơ của anh mà mới chỉ phác qua một vài cảm nhận tạo thành những ấn tượng cá nhân nổi bật sau khi đọc tập thơ mới nhất của Nguyễn Đình Hưng: Em qua vườn anh; NXB Hội Nhà văn (2014); 104 trang, 52 bài, in 500 bản. Hình thức in ấn, trình bày đẹp 1 cách duyên dáng, tao nhã.

2.     Cảnh quê, hồn quê bàng bạc; tình quê, tình người da diết diết da!

              Ấn tượng nổi bật đầu tiên, với tôi, về nội dung đề tài, chủ đề tư tưởng trong Em qua vườn anh là như thế.
              Tập thơ là một bài ca quê hương, bài ca tình yêu con người và cuộc sống tha thiết, khi dịu dàng, lúc nồng nàn, đắm đuối của một hồn thơ rất trẻ, rất yêu quê, yêu đời, yêu người và tất nhiên là vô cùng yêu thơ, sẵn sàng buồn vui, sống chết với Nàng Tiên Nghệ thuật tuyệt vời mà đỏng đảnh này. Đọc các bài Quê ơi, Hướng mặt trời, Được mùa, Ngỡ là đang mơ, Mùa cơm mới, Ghen thầm, thỏa ước mơ… thấy làng quê, quê hương mình, dù đã quen thuộc vô cùng, đã gắn bó máu thịt gần suốt một đời, vẫn hiện lên trong thơ in bóng vào tấm gương thơ một cách yên ả, êm đềm, thanh bình và đáng yêu đến thế! Đây là cảnh quê những ngày được mùa, qua ống kính thơ Nguyễn Đình Hưng:
     Đường làng/ Rầm rập xe bon/ Đỉnh xe - chất ngất lúa thơm bồng bềnh…/Xôn xao máy tuốt đầu bờ/Nhai rơm/ nghe bỏm bẻm cười/Xá cày – trâu mẹ lật vùi rạ rơm.
               Còn đây là con người quê hương: hình ảnh cô gái làng xinh như cây lúa, đêm qua hội làng mới thả giọng oanh vàng, với dải lụa đào uốn lượn, mắt cười lúng liếnglàm say bao chàng, thì sớm nay lại thấy em duyên dáng, khỏe khoắn ngồi trên máy cày, thoăn thoắt đôi tay điều khiển cần lái như múa. Theo sau máy em là những đường cày thẳng tưng trên cánh đồng lấp lánh ban mai bát ngát.
               Và tình nghĩa với quê hương của người viết thì thật mộc mạc, giản dị, chân thành và đầm ấm xiết bao:
               Nghĩa tình, bánh đúc, bánh đa/Thảo thơm vị cốm, đậm đà hương ngâu/Tình quê mộc mạc bí bầu/Duyên quê ấp ủ, trầu cau nồng nàn… (Quê ơi)
              Đọc những bài thơ về quê hương của Nguyễn Đình Hưng, thấy hồn quê, tình quê, người quê, cảnh quê cứ bàng bạc quyến quyện, lan tỏa khắp nơi chốn, từ cảnh vật tới con người: dòng sông, con thuyền, bóng đa, sân đình, bến đò, cánh cò bay lả, cánh đồng, cây lúa, cây bí, cây bầu, cây cau, lũy tre, hương cốm, hương ngâu, mái tranh, tiếng đàn bầu,  ngày mùa gặt hái, bà mẹ quê, cô gái quê, chàng trai quê… hết sức quen thuộc, gần gũi và đậm tình thương yêu chia sẻ cùng nhau tự ngàn xưa cho tới hôm nay và  cả ngày mai.
              Có điều tôi thoáng băn khoăn là bài ca quê hương của Nguyễn Đình Hưng, nhìn chung, còn quá êm ả, tĩnh mạc như trong tranh thủy mặc, như làng quê Việt cổ truyền tự bao đời. Nông thôn đất nước ta mấy chục năm nay chuyển mình bao phen trong bão táp cách mạng, chiến tranh và trong hoà bình xây dựng, trong đổi mới… không chỉ trầm tích bao cảnh, bao người, bao tâm trạng, tình cảm đau đớn, dữ dội, hào hùng, phức tạp, bao nhiêu số phận bà con nông dân thời @ thế kỷ 21 mà còn phải gánh chịu và nghiến răng vượt qua bao cảnh khổ cực, nhục nhã để trụ vững trên mảnh đất quê, hay đành ngậm ngùi rời làng ra phố làm thuê, nuốt nước mắt tha hương mưu sinh tận xứ người xa lạ…?! Một vài trong những vấn đề xã hội nông thôn nổi cộm nóng bỏng và bức xúc đó chưa thấy hiện diện hay lộ mở bóng dáng, hồi quang trong thơ anh. Đặc biệt là những cảnh – người làng quê cụ thể của anh cũng chưa thấy lộ diện với những sắc màu, cá tính riêng. Quê hương của anh, trong thơ anh, ở đây vẫn còn chung chung, đơn giản và… lành quá!
              Nhưng có lẽ tôi đã đòi hỏi hơi quá đáng đối với thơ trữ tình của 1 ngòi bút nghiệp dư mà cá tính nghệ thuật đã định hình như anh chăng? Dù sao, được bấy nhiêu cũng đã đáng quý, đáng nể lắm rồi!

3.     Chùm thơ về Mẹ

              Theo tôi, chùm thơ về Mẹ (4 bài: Dáng mẹ tôi, Tấm gương trong, Gậy tre dò dẫm và Trái tim người mẹ) của Nguyễn Đình Hưng khá thành công trong việc dựng lên một hình tượng người mẹ nghèo Việt Nam giàu tình, giàu nghĩa, suốt đời hi sinh vì hạnh phúc con cái, gia đình. Thật ra, trong thực tế cuộc sống cũng như thi ca thế giới và Việt Nam, từ đề tài, đến chủ đề và tư tưởng, với những vấn đề ấy, Nguyễn Đình Hưng không góp được gì thật mới mẻ. Điều đáng lưu ý ở đây là tình cảm hết sức chân thành của người viết với tư cách là đứa con hướng về mẹ, nói về mẹ với tất cả tấm lòng kính yêu và biết ơn vô bờ bến.
              Bài mở đầu tập thơ: Dáng mẹ tôi, đặc biệt thể hiện sự vất vả, hi sinh suốt đời của mẹ vì hạnh phúc gia đình bằng hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt: gánh. Vượt qua những hình ảnh cụ thể (thóc, rau, khoai, phân, tro…) mẹ toàn gánh gồng: mưa nắng, bão giông, nhớ mong, long đong, lá vàng rơi, bồ hòn (thành ngữ: Ngậm bồ hòn làm ngọt)…Mỗi lần gánh một khác, nhưng thảy đều trĩu nặng đôi vai gầy của mẹ những nghèo cực, lam lũ, xót đau, tủi hổ quanh năm suốt tháng, suốt cả cuộc đời. Khổ 4, câu 3 tạo ra 1 bất ngờ nho nhỏ, thú vị: Mẹ còng lưng -  (ta ngỡ mẹ lại gánh gì nữa đây nặng nề đến mức phải còng lưng?! – thì đọc tiếp: ước ao con ngẩng đầu. Ôi! tấm lòng và mơ ước của mẹ già cao quý, đáng khâm phục biết bao nhiêu! Mẹ còng lưng chấp nhận tất cả chỉ để con được ngẩng đầu bay cao, bay xa, bằng anh em chúng bạn, bằng người, trong trường đời thập khó này. Hình ảnh biểu tượng dáng mẹ vút cao, lung linh mái tóc bạc tựa dáng hùng vĩ tượng đài Bà Mẹ Việt Nam anh  hùng, lung linh như thiên thần thoại huy hoàng và bất diệt.
              Bài Tấm gương trong cụ thể hơn, nói về chính bà mẹ của tác giả với cuộc đời long đong, nhiều năm cụ phải rời quê ra tận vùng than Vàng Danh, Uông Bí làm việc nặng nề, mồ hôi trộn lẫn tủi hờn. Long đong một kiếp, sầu tủi một đời. Nhưng lúc ra đi mẹ vẫn mỉm cười bao dung. Tình mẹ, tình thơ cảm động, chân thành. Tiếc cách thể hiện không có gì mới, lại lặp lại hình ảnh lung linh ở kết bài Dáng mẹ tôi. Hình ảnh ẩn dụ nhan đề Tấm gương trong thì đã quá quen mòn.
              Bài Gậy tre dò dẫm cũng được khơi nguồn cảm xúc từ hình ảnh một bà mẹ khiếm thị, chống gậy vào nghĩa trang liệt sỹ dò dẫm, sờ sẫm tìm mộ con. Không tìm thấy phần mộ con đẻ của mình (đến mộ gió cũng không có!) mẹ vẫn lầm lũi và run rẩy chia hương thắp cho từng phần mộ. Tôi nghĩ những câu: Chia sẻ nỗi đau với bao nhiêu người mẹ/Để lòng già nhẹ nhõm lúc chiều hôm… là suy nghĩ và bình luận trữ tình của người viết. Nhưng ở đây đã có thể hòa đồng với tâm trạng và nỗi lòng của người mẹ đau khổ và cao quý. Cho nên nó vẫn phù hợp trong văn cảnh và rung động người đọc. Chỉ tiếc là kết bài này lại có hình ảnh lặp lại kết bài Dáng mẹ tôi: Bóng mẹ vút cao. Tôi nghĩ có thể bỏ hẳn 2 câu ấy. Chỉ 3 câu Từ hình hài… lên đường! là đã gọn, đủ và gợi.
              Bài Trái tim người mẹ vừa lặp lại một khía cạnh của đề tài bài trên: Người mẹ mù cơ cực nuôi con từ lúc lọt lòng tới khi rờ rẫm tiễn con vào đại học. Hình ảnh trái tim người mẹ như ngôi sao lấp lánh cháy sáng, thắp cho con ngọn đuốc niềm tin hẳn có liên hệ xa gần đến hình ảnh biểu tượng trái tim cháy ĐanKô (Gorki); nhưng chưa được người viết đào sâu, khắc họa bằng những hình ảnh, chi tiết cụ thể, phong phú hơn, triển khai khắp toàn bài, hướng vào tứ thơ chủ đạo nêu trong nhan đề.
              Đọc đi đọc lại, vẫn thấy chùm bài về Mẹ của Nguyễn Đình Hưng đã tạo được một ấn tượng khá nổi bật trong tôi.

4.     Bẻ, ngắt lục bát và kết quả của sự vượt ngưỡng

              Về hình thức trình bày các bài thơ thể lục bát trong tập thơ, và không chỉ trong tập thơ, tôi thấy đã xuất hiện từ tập thơ nhiều tác giả Hòa thơ vào rượu, phổ biến qua các tập thơ khác của Nguyễn Đình Hưng. Có thể khẳng định ngay rằng biện pháp nghệ thuật này cũng không có gì mới mẻ.
              Ở nước ta, Nguyễn Bính xưa và Nguyễn Duy trước đây đã thể nghiệm rất thành công không chỉ một lần:
      (Cánh buồm nâu,/ cánh buồm nâu,/ cánh buồm… (Nguyễn Bính) Hoặc Tre xanh/Xanh tự bao giờ? Tự ngàn xưa/ Đã có bờ tre xanh. Hay Mai sau/ Mai sau/ Mai sau/ Đất xanh tre? Mãi xanh màu/ tre xanh (Nguyễn Duy; Tre Việt Nam).
              Một số nhà thơ trẻ Việt đương đại đôi khi cũng thích vận dụng thủ pháp này. Nguyễn Đình Hưng là người đến sau; nhưng anh tỏ ra rất yêu thích, say mê với cách bẻ câu, cắt dòng, xếp chữ ấy với mục đích tạo ấn tượng nhìn và hướng dẫn người đọc đọc đúng và rõ nhịp một cách nhanh chóng theo sự xuống dòng đặc biệt cố ý của mình. Cách bẻ, ngắt của anh rất phong phú, đa dạng: 2/6; 3/3; 4/4; 4/2; 1/2/2 v.v… đủ lối ngắt 2 dòng lục – bát thành 3, 4, 5, 6… dòng, tạo thành 3, 4, 5, 6 khổ thơ vừa riêng biệt vừa tiếp nối.
              Có thể nói: ở nước ta, Nguyễn Đình Hưng là một trong những cây viết thơ nghiệp dư đã tận dụng các kiểu bẻ, ngắt thơ lục bát truyền thống một cách triệt để, phong phú nhất. Hầu như anh không chịu để yên cho bất kỳ 1 bài thơ lục bát nào được sắp xếp, trình bày như truyền thống: lục (6) trên, bát (8 dưới). Cho nên những ai mới đọc thơ anh, lại nhìn thoáng qua, thì rất dễ lầm đó là những bài thơ tự do có vần. Vì anh chỉ ngắt ra để xếp lại các từ thôi, chứ tuyệt nhiên không thay đổi gì về vần điệu.
              Sự chuyên tâm và thường xuyên theo đuổi một thủ pháp nghệ thuật (dù nhỏ và có vẻ thuần hình thức bên ngoài) này của Nguyễn Đình Hưng đã dẫn tới kết quả như thế nào?
              Sự thật là anh đã đạt được không ít thành công, với các mức độ khác nhau.
     Ví dụ:          Một đời
Gồng gánh mải mê,
Gánh đi mưa nắng, gánh về bão giông.
                                                               (Dáng mẹ tôi)
Nhai rơm,
Nghe bỏm bẻm cười,
Xá cày – trâu mẹ lật vùi rạ rơm.
                                                          (Được mùa)
Cách xa,
Gió thử gan bền.
Lửa tình nhỏ,
Gió đè lên – lụi tàn!
                                                                (Ngạn ngữ lửa)…
              Nhưng không ít trường hợp, hình như anh cứ tùy tiện ngắt câu, ngắt dòng, bẻ chữ một cách tùy ý, tùy hứng như 1 thói quen khó bỏ và vô tình lạm dụng. Ngắt chỉ để mà ngắt chứ thực ra hiệu quả nghệ thuật không những chẳng hơn gì cả về 2 phương diện nghe – nhìn.
     Ví dụ:
Xin em
Một chút lặng im
Để
Anh tự vớt hồn lên – kẻo chìm!
                                                     (Thủy triều)
Anh
Ghen thầm đấy – Em ơi!
Ai kia – Sao có được người như em!
                                                           (Ghen thầm)
              Ở 2 trường hợp dẫn trên, theo ý tôi, nếu cứ xếp liền thành 2 câu như lục bát truyền thống vẫn hơn, vừa rõ ràng vừa mềm mại. Hoặc nếu đã ngắt thì phải ngắt triệt để hơn nữa, chứ không nửa vời như thế. Ngắt tiếp cả câu 6 và câu 8 để làm rõ nhịp đối thoại giữa anhem.
              Tóm lai, tôi cho rằng anh Hưng đã quá say mê thủ pháp bẻ, ngắt thơ lục bát này, sử dụng tràn lan, vượt ngưỡng cho phép nên không phải trường hợp nào cũng thành công, cũng mang lại hiệu quả nghệ thuật như mong muốn, mà ngược lại. Có lẽ anh nên sử sụng biện pháp trình bày thơ 6 - 8 này một cách chọn lọc và có mức độ hơn chăng?  


5.     Đôi điều về ngôn từ thơ Nguyễn Đình Hưng

              Ngôn từ thơ Nguyễn Đình Hưng nói chung, trong tập thơ này nói riêng, có ưu điểm là khá chọn lọc, trau chuốt, giàu hình ảnh và cảm xúc. Đôi chỗ đã mang dấu ấn riêng. Nhưng nhược điểm khá phổ biến, theo tôi, là ít đổi mới, sáng tạo về lĩnh vực tạo nghĩa mới, tu từ nghệ thuật (ngữ âm, từ vựng, cú pháp). Anh hay dùng những từ ngữ, hình ảnh đã quen thuộc, thậm chí mòn sáo. Điều này làm cho người đọc có cảm giác lời thơ của anh có phần cũ kỹ, trùng lặp. Được cái mượt mà, êm dịu nhưng lại thiếu hẳn cái tung tẩy, bứt phá, gồ ghề, sắc nhọn. Rất nhiều hình ảnh, từ ngữ trở đi trở lại nhiều lần trong các bài thơ của anh.
              Ví dụ: giọng oanh vàng, mắt cười lúng liếng, giấc ngủ mơ màng, đẹp như tiên, nhịp nhàng như múa, rộn ràng, thỏa lòng ước ao, điện sáng như sao, lời ru ngọt lịm, biển say cuộn sóng, chờ đợi mỏi mòn, lúa reo, chim đùa ríu rít, men say, hạt vàng, thay đổi như phép thần, ngỡ là đang mơ, liềm vàng ấm no, nắng say, …
              Thị Nở lên ngôi là 1 bài thơ nhiều nghĩ ngợi và có duyên, khởi hứng  từ cái lò gạch ở Bá Sơn năm 2009. Bình phẩm mối tình cháo hành tia chớp Chí Phèo – Thị Nở của cụ Nam Cao trứ danh đã có hàng chục bài thơ thành công ăn theo nhờ truyện ngắn tuyệt tác. Nguyễn Đình Hưng góp thêm một thi khúc đậm đà nét riêng, vẫn với cách bẻ, cắt lục bát quen thuộc. Đoạn cuối khá hơn cả:
              Một đời/ ăn vạ cao tay/Ngấm men Thị Nở càng ngây ngất tình/ Duyên/ trôi vào bát cháo hành/ lên ngôi/ Thị Nở/ bỗng thành vương phi/
              Có điều chữ trôi, chưa thật đắt và cũng chưa hợp lý, hợp tình trong văn cảnh này. Nên chọn chữ khác phù hợp hơn. Chẳng hạn: bung, lặn, bay hơi, nổi chìm
               Không phải ngẫu nhiên hay vô tình, tác giả chọn nhan đề bài Em qua vườn anh làm nhan đề chung cho cả tập thơ. Bài thơ tình chập chờn thực ảo. Hương cây, hương hoa, hương… em cứ hòa trộn, ngát lên giữa vườn anh, khi có lần em qua. Những thi ảnh tan hòa cùng thi cảm: nụ cười em trót đánh rơi, tan trong lòng giếng trong veo. Anh vớt mây, tìm ánh mắt lúng liếng của em lại nghe thoang thoảng tiếng cười. Và ngọn lửa tam muội nào của tình yêu rừng rực bốc cao hầu muốn thiêu rụi tất cả nụ cười, ánh mắt, cả khu vườn địa đàng em đã từng qua. Có thể xem đây là một bài thơ tình hay, sâu lắng, lan tỏa, nếu người viết cố ghìm mình, lùi lại, giấu mình, để cho sự việc và hình ảnh tự nói lên tâm trạng, thì độ khách quan và kín đáo sẽ còn hiệu quả hơn nhiều. Bằng cách lược bớt một số từ anh, em thừa thãi, một vài phụ từ không cần thiết: từ, giữa, trong… Thay đại từ tôi (xác định và khô khan) cuối bài bằng đại từ phiếm chỉ mơ hồ: ai. Thay từ chìm đắm (1 cách vô lý vì không ai nói lửa thiêu chìm đắm cả!) bằng từ khác chuẩn xác và khơi gợi hơn: rụi, sạch bách, trụi, tàn
              Âm vang Điện Biên là một trong những bài thơ hơi bị nghèo chất thơ; nhưng lại giàu đại ngôn, khoa trương, mòn sáo. Từ sáo dẫn đến nhạt, thậm chí giả, dở, chỉ là một bước ngắn...Hỡi ôi! Không phải cứ chọn đề tài lịch sử hoành tráng là dễ có thơ hay! Tiếc thay!
               Tôi cảm thấy rất khó khăn và đắn đo trước và trong khi viết những dòng trên, hoàn toàn không phải cố ý khắt khe, tủn mủn vạch lá tìm sâu bạn thơ xa. Chỉ bởi vì khi đọc, thấy nó cứ gợn, cộm lên, không sao chịu nổi, buộc phải đổi trao, tâm tình với người viết. Nếu anh Hưng cho rằng tôi không đúng thì cứ coi như tôi chưa viết những dòng đó và anh chưa hề đọc chúng!

KẾT LUẬN

              Mở mục Kết luận, không hiểu sao tôi lại vô duyên và dại dột thêm một câu chắc sẽ lại gây mất lòng người khác nữa. Nhưng vì THƠ, vì BẠN THƠ mà tôi cứ liều nói, cứ mạnh dạn viết:
              Quả thật, tôi không thích mấy câu thơ đề từ đầu tập của Nguyễn Đình Hưng! Giá là tôi viết, tôi sẽ chọn mấy câu này:
Chắt lọc kiếm tìm – gieo cấy ước mơ…
Buồm lộng gió say miền thực ảo,
Hướng mặt trời đau đáu – những vần thơ…
                                                            (Hướng mặt trời)
              Theo thiển ý của tôi, đó mới là tuyên ngôn nghệ thuật đích thực, xứng đáng làm đề từ cho tập Em qua vườn Anh. Đó cũng là niềm trở trăn, khắc khoải, đau đáu, nhức nhối và mơ ước của anh Hưng, và không chỉ của anh, mà của chúng tôi, của tất cả những ai đã và đang mê đắm với thơ và cái nghiệp làm thơ loằng ngoằng, hâm hi, vớ vẩn, vô tích sự!… nhưng thật vui và đem lại sự thư giãn cho tuổi già...
              Làm được 1 bài thơ hay, 1 khổ thơ hay, thậm chí 1 câu thơ hay để bạn đọc xúc động đọc và nhớ, thuộc, quả thiên nan vạn nan! Có khi suốt đời chỉ mãi là ảo vọng, kỳ vọng hão huyền. Bản thân tôi, nhiều khi chỉ còn biết đọc thơ người để khâm phục và học hỏi, mà buồn tủi cho những dòng văn vần, ghép vần kém cỏi, nông cạn, ngây ngô, thô thiển của chính mình. Tôi muốn tâm tình chân thành với tác giả nhân đọc mấy câu cuối bài Hướng mặt trời, người mà theo tôi, càng thêm tuổi càng tỏ ra giàu tiềm năng, khát vọng sáng tạo nghệ thuật, khi đang ở giữa mùa thu vàng thứ hai của cuộc đời.
              Hi vọng với nhịp viết mau mắn của anh, chúng tôi sẽ còn được đọc tiếp những bài thơ mới, những tập thơ mới và hay của người thơ đất Thái Nguyên./.

Chiều muộn – đêm  8 – 5 – 2014.
ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét