Hoàng Dân
Bản năng mẫu tử
Kính tặng linh hồn các liệt sĩ
Trường Sa
Hoàng Dân
1.
Tháng ba năm nào mẹ cũng ra Trường Sa. Thoắt cái đã hai mươi sáu năm.
Ngày ấy con trai của mẹ tròn 20 tuổi, còn mẹ 49 tuổi. Giờ mẹ đã 75 tuổi. Thời
gian phủ lên mái đầu của mẹ một lớp mây trắng bồng bềnh, nhưng dường như trái
tim của mẹ thì vẫn vẹn nguyên như cái ngày cách đây hai mươi sáu năm, ngày mà
con trai của mẹ đã ngã xuống trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa... Khi
ấy con trai của mẹ cùng với những đồng đội của nó đã quấn quốc kì quanh người,
xiết chặt tay nhau, làm nên một bức tường thành chủ quyền bằng xương bằng thịt
cho Tổ quốc… Còn kẻ thù thì vẫn lạnh lùng xả súng vào những người lính công
binh, tay không có vũ khí, chỉ có cờ đỏ sao vàng và những lời ca tha thiết: “… Việt
Nam, Hồ Chí Minh… Việt Nam, Hồ Chí Minh…”… Cờ Tổ quốc thêm một lần nhuộm đỏ máu
tươi của hàng chục chàng trai ưu tú nước Việt, trong đó có con trai của mẹ…
Mẹ khóc. Khóc vì thương nhớ con.
Vì ân hận xót xa. Chồng mẹ chẳng may bị bệnh hiểm nghèo mất sớm để lại cho mẹ
hai mụn con, một gái, một trai… Lần ấy, mẹ vừa lãnh lương tháng, trên đường về,
bất ngờ gặp bọn đạo chích, bị chúng cướp giật cái túi xách trong đó có toàn bộ
số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng đủ để ba mẹ con tằn tiện qua ngày… Mẹ thất thểu
dắt chiếc xe đạp cà tàng về nhà trong tâm trạng hoang mang cực độ… Khi ấy, con
trai mẹ mới mười hai tuổi, thấy mẹ về thì vẫn hồn nhiên như mọi khi, reo lên:
- A! Mẹ đã về…
Rồi vẫn hồn nhiên như thế, nó níu
tay mẹ, rụt rè:
- Mẹ ơi, cho con năm hào để con mua tờ báo Thể
thao, mẹ nhá…
Không hiểu sao, lúc ấy mẹ chỉ muốn
trút tất cả nỗi uất hận vào một ai đó cho hả… Thì đây, kẻ đó chính là… con trai
của mẹ… Rồi như ma xui quỉ khiến, bất ngờ mẹ hét lên, lạc cả giọng:
- Cút đii…iii… Sắp rã họng cả lũ ra đây… Báo với
bóng gì… Hả trờ… iii….
Con trai mẹ mặt tái xanh, run cầm
cập, lặng lẽ lủi dần trước cơn thịnh nộ chưa từng có của mẹ…
Nhưng cũng dường như ngay lập tức,
mẹ nhào tới, vồ lấy con trai của mẹ, ghì chặt và oà khóc…
Con trai mẹ ngơ ngác nhìn mẹ. Rồi
cũng khóc theo…
2.
Như bao người mẹ Việt Nam nhẫn nại
cần cù khác, mẹ đã vượt qua muôn vàn khó khăn để nuôi nấng hai con nên người.
Riêng với đứa con trai thì ngày nào mẹ cũng cho năm hào để nó mua tờ báo Thể
thao… Rồi lớn lên, đi làm, nó không xin tiền của mẹ nữa, nhưng mẹ vẫn âm
thầm bỏ vào con heo đất mỗi ngày năm hào… Để làm gì thì mẹ chưa biết. Nhưng mẹ
cứ hành động như một thứ bản năng mẫu tử vậy thôi. Rồi con trai của mẹ nhập
ngũ. Mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì nó đã khôn lớn, trưởng thành. Lo vì trong sâu
thẳm lòng mẹ, con trai của mẹ dường như vẫn bé bỏng như cái ngày nó rụt rè xin
mẹ năm hào để mua báo; thế mà nay nó đang lênh đênh giữa trùng khơi sóng gió
bất thường và đầy hiểm nguy… Nhiều lúc lòng dạ bồn chồn không yên, mẹ lại giở
những bức thư của nó ra vuốt ve cho đỡ nhớ…
“… Mẹ ơi, chúng con là những chiến
sĩ của Trung đoàn Công binh 83, đang lao động cật lực như những người thợ xây
dựng nhiều công trình phòng thủ trên các đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường
Sa… Công việc vất vả nhưng chúng con tự hào lắm, mẹ ạ… Chắc là mẹ không thể
hình dung được mỗi khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay giữa
nơi biển trời bao la này thì tâm trạng của chúng con như thế nào đâu?! Chưa bao
giờ chúng con rưng rưng xúc động với bốn chữ Chủ quyền quốc gia như bây
giờ… Chủ quyền là gì, mẹ có biết không? Là quyền làm chủ lãnh hải thiêng
liêng của Tổ quốc đấy, mẹ ạ… Chỗ chúng con đang đứng chân là nơi mà những kẻ
tham lam độc ác luôn ngày đêm dòm ngó và lăm le cưỡng chiếm… Những ngày này,
hàng chục chiếc tàu chiến của chúng đang lượn lờ quanh nơi chúng con làm việc
đấy… Nhưng chúng con không sợ…”…
3.
Có thể ngày 14 tháng 3 năm 1988
đối với nhiều người chỉ là một ngày bình thường như hàng vạn hàng triệu những
ngày bình thường khác lặng lẽ mất hút trong dòng chảy vô thuỷ vô chung của thời
gian vô hình vô tận, nhưng đối với mẹ, bằng linh giác của bản năng mẫu tử thì
đó là một ngày vô cùng hệ trọng… Mẹ đột nhiên thức giấc và rơi vào một trạng
thái nửa tỉnh nửa mê… Đầu óc mẹ mông lung chập chờn những hình ảnh thật hãi
hùng… Những con tàu đang chìm… Những người lính Trường Sa, trong đó có con trai
của mẹ đang gục ngã trước những làn đạn của bọn gây hấn … Họ ngã xuống mà nụ
cười vẫn rạng ngời trên những gương mặt thanh xuân…
Rồi tin dữ bay về. Một số đảo ở
Trường Sa bị hải quân Trung Quốc tấn công. Trong số những cán bộ, chiến sĩ của
Hải quân nhân dân Việt Nam
hi sinh, mất tích, có tên con trai của mẹ… Mẹ khuỵu xuống tưởng không sao gượng
dậy… Nhưng rồi chính nụ cười ngời sáng một niềm tin sắt đá của những người lính
Trường Sa đã giúp mẹ đứng thẳng trước mất mát đau thương…
Mẹ bước tới chỗ để con heo đất,
thẫn thờ ôm con heo đất vào lòng và cứ để mặc cho nước mắt tuôn rơi… Bên tai mẹ
vẫn văng vẳng tiếng cười lanh lảnh của con trai mẹ từ thuở nào xa lắm… Trước
mắt mẹ vẫn thấp thoáng cái vẫy tay chào mẹ hôm nó lên đường ra Trường Sa… Sao
lại là cái vẫy tay cuối cùng, con ơi… Mẹ ôm ngực nấc lên nghẹn ngào… Rồi mẹ đập
con heo đất và kể từ ngày đó, mỗi ngày mẹ mua một tờ báo Thể thao… Mỗi
ngày mẹ lại khẽ khàng đặt trước di ảnh con trai ở trên bàn thờ một tờ báo… Cứ
thế, đều đặn ngày nối ngày, cho tới ngày 14 tháng 3 năm sau thì xấp báo trên
bàn thờ đã cao sừng sững… Mẹ thắp hương, lầm rầm khấn khứa và sau đó đốt cả xấp
báo gửi cho con trai của mẹ…
“Con trai yêu quí của mẹ ơi… Người
ta bảo dương sao âm vậy con à… Ngày xưa, khi còn sống, mỗi ngày con đọc một tờ
báo thì bây giờ con thác, mỗi năm mẹ sẽ gửi cho con tất cả các số báo của một
năm, không thiếu một tờ nào đâu con ạ… Mẹ đã dặn chị con rồi, nếu mai ngày mẹ
trăm tuổi thì chị con sẽ tiếp tục mua báo gửi cho con… Hu hu… Nhờ con mà mẹ
được biết Trường Sa… Mẹ nghe nói ngày xưa, các đảo ở quần đảo Trường Sa chỉ
toàn san hô và lưa thưa mấy khóm cây phong ba, mấy cây bàng vuông đơn lẻ; còn
bây giờ thì đổi khác nhiều lắm rồi con ạ, những người đồng đội của con đã biến
Trường Sa thành một mảnh đất trù phú với những con đường rợp bóng mát cây xanh…
Nhưng vẫn còn đấy những cây bàng vuông xoè tán, những bông hoa phong ba bung nở
trắng trời… Mẹ chỉ ngạc nhiên là sao ban ngày thì nước biển xanh biếc mà ban
đêm nước biển lại có màu sẫm đen? Hay là có kẻ cố tình gây khó dễ cho việc tìm
kiếm các con ở dưới lòng đại dương? Mẹ cứ tưởng giữa trời biển mênh mông thì
lòng người cũng rộng, ai ngờ… Các con nằm ở vùng nước mà họ đã cưỡng chiếm… Ừ
thì họ cứ ỷ tàu to súng lớn để vừa ăn cướp vừa la làng, nhưng sao họ lại nỡ
ngăn cản cả cái việc phúc đức ấy, hả con?... Mẹ thương con quá, con trai yêu
quí của mẹ ơi…”…
4.
Đến tháng 3 năm 2014, mẹ sang tuổi
75, sức đã yếu lắm rồi, nhưng mẹ vẫn quyết ra Trường Sa bằng được. Mẹ bảo: “Mẹ
muốn được tự tay mình thả vòng hoa giữa đại dương mênh mông sóng vỗ, để được
tận mắt ngắm nhìn vòng hoa dập dềnh ngạo nghễ trên những con nước cao ngất giữa
trùng khơi… Con trai của mẹ ra đi mà chẳng để lại dấu vết gì thì chính mẹ phải
đến tận vùng nước ấy, thả một vòng hoa để làm chứng rằng người đang sống không
bao giờ quên người đã khuất…”. Và còn một điều thầm kín mà mẹ từng khắc khoải
bao năm… Mẹ muốn biết tường tận rằng con và các bạn của con đã ngã xuống như
thế nào vào cái ngày 14 tháng 3 nghiệt ngã ấy? Mẹ biết các con còn rất trẻ và
nhiều vị chỉ huy của các con cũng rất trẻ. Nhưng ở nơi đầu sóng ngọn gió này,
các con đã trở thành những con người gan góc và rất kiệm lời. Mẹ đã nhiều lần
đánh bạo dò hỏi về sự thật của cái ngày giỗ chung cho mấy chục con người ấy,
nhưng chưa ai trả lời rành rẽ cho mẹ cả! Còn lần này? Mẹ có linh cảm rằng lần
này sẽ khác! Vì sao thì mẹ không biết, nhưng mẹ cứ tin, một niềm tin của bản
năng mẫu tử! Thế là lựa lúc chỉ có mẹ và một vị chỉ huy trẻ tuổi, mẹ liền mạnh
dạn bày tỏ nguyện vọng của mình: “Thưa ông, những năm trước tôi có hỏi cái ngày
14 tháng 3 năm 1988 nó đã xảy ra như thế nào thì các vị chỉ huy đều mỉm cười và
tìm cách lảng tránh; còn năm nay, biết đâu đây chẳng là chuyến đi dối già của
tôi, ông có thể chiếu cố được không ạ?!”. Vị chỉ huy trẻ tuổi giật mình sững
sờ, rồi đứng lặng nhìn đám mây trắng bồng bềnh trên mái đầu của mẹ, hơi quay
mặt đi, cố giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, gật đầu, nói khẽ: “Mẹ
đi theo con”…
Vị chỉ huy trẻ tuổi dẫn mẹ vào một
căn phòng khang trang, sạch sẽ và chỉ thấy toàn sách là sách. Lấy ra một cuốn
sách dày, bìa cứng, vị chỉ huy trẻ tuổi lật tìm tới trang ghi chép về chiến
dịch CQ.88 (Chủ quyền 1988) và nhẩn nha đọc cho mẹ nghe:
“Đầu tháng 3 năm 1988, Trung Quốc
huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, gồm: một
tàu khu trục tên lửa, bảy tàu hộ vệ tên lửa, hai tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ,
ba tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông tông1
lớn.
Dự đoán đối phương sẽ chiếm các
đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Đô đốc Giáp Văn Cương chỉ đạo các tàu của Lữ đoàn
vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn
146 nhanh chóng đến các đảo này.
Đêm 13 tháng 3, quân ta bí mật đổ
bộ lên đảo Gạc Ma. Sáng 14 tháng 3, từ tàu HQ.604 đang thả neo tại Gạc Ma,
trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 phát hiện bốn tàu lớn của
Trung Quốc đang tiến lại gần.
Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền
nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đảo. Lực lượng áp đảo nhưng không cướp được cờ.
Quân địch bắn pháo 100 mm từ hai chiến hạm vào tàu 604, khiến tàu bị thủng
nhiều lỗ và chìm xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, đại uý thuyền trưởng
Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ ta đã hi sinh cùng tàu 604.
Tàu HQ.505 tới đảo Cô Lin lúc 5
giờ. Khi thấy tàu 604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ
neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi2 trong làn pháo địch. Con tàu Anh hùng
này đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo trước khi bị tàu địch bắn cháy.
Mặc dù thua kém đối phương về lực lượng, phương tiện, vũ khí, nhưng trong trận
chiến đấu ngày 14 tháng 3 năm 1988, những người lính Hải quân Việt Nam đã chiến
đấu quên mình để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chúng ta mất ba tàu, sáu mươi tư sĩ
quan và chiến sĩ hi sinh hoặc mất tích, mười một người bị thương, nhưng đã bảo
vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao. Trung Quốc chỉ chiếm được đảo
Gạc Ma”…
5.
Vị chỉ huy trẻ tuổi đã ngừng đọc…
Còn mẹ thì vẫn ngồi lặng phắc, đôi mắt đăm đăm dõi ra khơi xa… Gió từ biển lớn
vẫn ào ào như tiếng vọng của những cuộc hành binh từ thuở xa xưa cha ông dựng
nước… Sóng từ đại dương vẫn cuồn cuộn ngân nga như bản hùng ca thấm đầy máu và
nước mắt… Thời gian như ngưng đọng trong những giọt lệ hiếm hoi đung đưa nơi
khoé mắt của mẹ… Bất giác, mẹ thều thào hỏi:
- Từ ngày xửa ngày xưa, đây vẫn là biển đảo của ta,
sao họ lại ngang ngược như vậy?
Vị chỉ huy trẻ tuổi không nói gì,
lẳng lặng trải ra trên mặt bàn một tấm bản đồ khổ lớn, chỉ tay vào cái hình vẽ
kì dị, nhỏ nhẹ:
- Mẹ ơi, người ta tự vẽ như thế này đây…
Mẹ nhướng đôi mắt già nua, chăm
chú nhìn vào cái hình vẽ ngoằn ngoèo oằn oại, cười mà như mếu:
- Sao nó từa tựa như… cái lưỡi bò vậy?
Vị chỉ huy trẻ tuổi gật đầu:
- Đúng, người ta gọi nó là cái bản đồ hình lưỡi bò,
mẹ ạ…
Mẹ im lặng, nhíu mày như cố nhớ ra
một điều gì đó đã lặn rất sâu trong kí ức mù mờ của mình, rồi gượng cười:
- Thế thì tôi hiểu rồi… Tôi hiểu rồi… Ngày xưa, khi
còn nhỏ, tôi đi chăn bò cho hợp tác xã, mẹ tôi thường dặn: “Con bò này hỗn lắm…
Sểnh ra là nó táp lúa… Chẳng ai rỗi hơi mà tranh cãi hơn thua với con bò, họ cứ
đè cổ người chăn dắt ra mà phạt điểm đấy… Con nhớ phải luôn để mắt đến nó…”.
Quả nhiên như vậy, con bò này rất háu đói, nó thường đứng trên bờ giương đôi
mắt thèm thuồng nhìn những khóm lúa xanh mơn mởn ở dưới ruộng… Nó thèm đến nỗi
rớt dãi cứ chảy ròng ròng nom thật tội nghiệp. Nhưng nó sợ… Thế cho nên, thỉnh
thoảng nó lại lấm lét lia cái lưỡi tham lam ra thật dài để táp vội vài khóm
lúa… Là kẻ ăn vụng ăn trộm nhưng nó vẫn trơ tráo ngẩng đầu lên nhai ngấu nhai
nghiến một cách ngon lành… Đôi khi nó còn phởn chí rống lên ò ò… Nhưng nó sợ,
không dám thò chân xuống ruộng đâu, vì nếu thò chân xuống thì nó sẽ bị sa lầy
ngay lập tức… Vì thân xác nó thì cồng kềnh, mà bùn đất thì đặc quánh như hồ…
Khổ thế…
Thạch Bàn
3.2014
1. Pông
tông: một loại bè lớn chuyên dụng
2. Ủi bãi:
khi gặp tình huống khẩn cấp, phải cho tàu mở hết tốc lực lao thẳng lên cạn ở
một điểm bất kì trên đảo để khẳng định chủ quyền và quyết giữ chủ quyền bằng
mọi giá để chờ đồng đội ra hỗ trợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét