CẦN
TRÁNH MỘT SỐ SAI SÓT KHI DẠY BÀI THƠ “ĐỢI ANH VỀ”
Vũ
Nho
Bài thơ Đợi anh về của K. Ximonov do
Tố Hữu dịch được đưa vào sách Văn 9 tập 2. Phải nói rằng bản dịch của Tố Hữu là
một bản dịch hay. Tác giả Ximonov đã cảm ơn dịch giả và đánh giá “ Thơ tôi đã
chết trong bản dịch tuyệt vời của anh”. Tuy thế, dịch thơ là một công việc cực
kì khó khăn. Có thể thời ấy, Tố Hữu chưa có điều kiện dịch từ bản tiếng Nga,
cho nên bản dịch có những chỗ chưa thật chính xác. Điều đáng nói là những chỗ
đó khi giảng dạy, giáo viên đã “bám sát” bản dịch, đưa vào những tình
huống khác với nguyên bản để bình giảng
và cảm thụ nên gây ra những sai lạc.
1. Trong khổ thơ thứ nhất, Tố Hữu đã
sáng tạo khi chuyển câu thơ hai mệnh đề “ Hãy đợi anh, anh sẽ trở về” thành câu
“ Em ơi đợi anh về” rất tình cảm. “ Những cơn mưa màu vàng gợi nỗi buồn phiền”
thành ra “ mưa có rơi dầm dề” cũng rất tài tình. Nhưng câu thơ dịch “ Ngày có
dài lê thê” là câu không có trong nguyên bản. Chỉ có sự mẫn cảm của nhà thơ mà
người dịch đã thêm vào. Nhưng có người đã phân tích say sưa, đã dẫn ra các ví
dụ cổ kim “ “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”, rồi “ Ba thu dọn lại một ngày
dài ghê”, rồi “Đứng một ngày đất lạ thành quen”…để so sánh và khen Ximonov.
2.
Câu thơ trong nguyên bản “ Hãy đợi, khi người ta quên ngày hôm qua,
không chờ đợi những người khác nữa” được chuyển thành “ Bạn cũ có quên rồi”. Người ta đó không phải là bạn cũ ( bạn bè gì mà chóng quên thế!).
mặt khác, sẽ trùng lặp với khổ thơ sau này “ Dù bạn viếng hồn anh”. Hơn thế
nữa, Ximonov có ý thức khi sắp đặt trật tự người lãng quên từ người xa đến
người gần, từ người sơ đến người thân. Mức độ quên và và tin rằng không còn
sống cũng khác nhau:
- Người ta, lãng quên ngày hôm qua,
không chờ đợi những người khác nữa.
- Những người cùng đợi, đã chán cảnh
đợi chờ.
- Những người biết làu làu rằng đã đến
lúc nên quên.
- Mẹ và con trai tin là anh không còn.
- Bạn bè uống rượu vang đắng cay tưởng
niệm.
Vì
thế mà câu thơ “ bạn cũ đã quên rồi” là không chính xác, chỉ có thể dịch thành
“ Người khác có quên rồi”.
3. Khổ thơ dịch “ Tin anh dù vắng
vẻ/Lòng anh dù tái tê/ Chẳng mong chi ngày về/ Thì em ơi cứ đợi” là khác xa với
nguyên bản. Trong mạch cảm xúc của bản dịch, một giáo viên đã giảng rất xúc
động rằng : Có thể vắng tin tức, bản thân
anh ( Chúng tôi nhấn mạnh – VN) cũng có thể tuyệt vọng, không mong ngày trở
về, nhưng vẫn muốn người vợ chờ đợi. Nghe thoáng thì không sao, nhưng ngẫm kĩ :
bản thân anh, anh cũng không hi vọng trở về, mà vẫn muốn vợ chờ đợi, như thế có
ích kỉ quá không? Người lính trong nguyên tác không có lúc nào chán nản như
vậy. Khổ thơ này Ximonov chỉ viết :
Hãy đợi, khi từ những nơi xa xôi
Những bức thư không tới
Hãy đợi, khi những người cùng đợi
Đã chán cảnh đợi chờ
4. Câu thơ dịch “ Trông chết cười ngạo
nghễ” và “ tan giặc bước đường quê/ Anh của em lại về” khi dạy cần đối chiếu
với nguyên bản để thấy sự sáng tạo của ngươì dịch, đồng thời tránh bám sát ý
“cười ngạo nghễ” để suy luận về sự kiêu hãnh, nụ cười của người chiến
thắng…Cũng không nên cho học sinh tưởng tượng con đường bạch dương nước Nga,
những người lính chiến thắng đang hăm hở trở về, người vợ chạy ra đón, chị sẽ
nói gì với anh. Đơn giản là vì người lính không cười và cũng không đi trên “con
đường quê”.
Những điều trên, chúng tôi gặp trong
một số giờ dạy của khá nhiều anh chị em giáo viên. Nhân đây, chúng tôi xin cung
cấp bản dịch nghĩa từ nguyên bản tiếng Nga để anh chị em có điều kiện đối
chiếu, tham khảo. Theo ý riêng của chúng tôi, để dạy thơ dịch được chính xác,
tất cả các bài thơ được dịch từ tiếng nước ngoài đều cần có bản dịch nghĩa đen
từ nguyên bản kèm theo.
ĐỢI ANH VỀ
Hãy đợi anh, anh sẽ trở về
Chỉ cần hãy gắng đợi
Hãy đợi, khi những cơn mưa màu vàng
Gợi nỗi buồn phiền
Hãy đợi, khi những trận tuyết trút
Hãy đợi, khi nóng nực
Hãy đợi, khi người ta
Quên ngày hôm qua, không chờ đợi những
người khác nữa
Hãy đợi, khi từ những nơi xa xôi
Những bức thư không tới
Hãy đợi, khi những người cùng đợi
Đã chán sự đợi chờ
Hãy đợi anh, anh sẽ trở về
Đừng cầu chúc điều tốt
Cho những người biết làu làu
Rằng đã đến lúc quên
Dù mẹ và con trai
Tin rằng anh không còn
Dù bạn bè đã mỏi mệt đợi chờ
Ngồi xung quanh đống lửa
Uống rượu vang đắng cay
Để tưởng nhớ hồn anh…
Hãy đợi – và đừng cùng với họ
Vội vàng cạn chén
Hãy đợi anh, anh sẽ trở về
Trêu gan tất cả những chết chóc
Người không đợi anh
Cứ để họ nói rằng : Gặp may.
Những người không đợi chờ
Không hiểu được
Bằng sự chờ đợi của mình
Em đã cứu sống anh
Giữa lửa đạn
Chỉ có anh và em biết
Vì sao anh thoát chết
Đơn giản là không có người nào khác
Như em biết đợi chờ.
VŨ NHO
dịch từ nguyên bản tiếng Nga
Đăng báo Giáo
dục và Thời đại số 24 ra ngày 9 tháng 9 năm 1991
Ngọc Dung sang thăm và đọc bài thơ anh dịch thật hay,chúc đêm ngon giấc anh Vũ Nho nhé..
Trả lờiXóaCám ơn Ngọc Dung đã ghé trang và chia sẻ!
Trả lờiXóaVâng, dịch thơ là một việc rất khó. Tố Hữu đã đưa thơ Ximonov đến với hàng triệu trái tim thanh niên VN, đây cũng có thể xem là một điểm cộng cho Tố Hữu. Tuy ông dịch như bác Nho vừa nói, có chỗ chưa sát nguyên bản, có chỗ ảnh hưởng giọng điệu "rất Tố Hữu" ( Trông chết cười ngạo nghễ ), nhưng biết làm thế nào được, nhà thơ Tố Hữu là như thế mà. Cảm ơn bác Vũ Nho. Hôm nay bác nói thì em mới biết điều đó. Bản dịch của bác Nho chắc sát hơn với nguyên bản. Nhưng cái sự dịch thơ rất lạ, chả biết có ai nói điều này chưa, em thấy có bài thơ Đường mấy bản dịch. Hôm qua Tố Hữu đặt viên gạch thứ nhất, hôm nay Vũ Nho đặt viên gạch thứ hai, và cõ lẽ chưa hết đâu... Đó là ý đầu tiên em muốn nói. (còn mấy ý nữa, nhưng dài quá. Hôm nào gặp em nói thêm bác ạ).
Trả lờiXóa