Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

THI THOẠI, ĐẦU HẠ, BÊN BỜ NHUỆ GIANG


                     Đường Văn


THI THOẠI,  ĐẦU HẠ,

BÊN BỜ  NHUỆ GIANG

(Tản văn – Hồi ức)
ĐƯỜNG VĂN

-         Đố anh nhớ được bài thơ, đoạn thơ hoặc câu thơ đầu tiên đã gây ấn tượng đầu đời với mình… cho đến tận bây giờ đấy?
     Sau bữa phở điểm tâm, sáng đầu hè nhễ nhại mồ hôi, Lê có vẻ phởn chí, lại khơi ngòi bàn phiếm về thơ, vốn là những câu chuyện yêu thích liên miên, không bao giờ dứt của hai đứa tôi, mỗi khi ngồi với nhau.
     Tôi cười:
-         Hãy cứ pha café đi đã! vừa nhấm nháp vừa chuyện cũng không muộn!
-         Có ngay! có ngay đây!
     Lê vừa nói vừa mau mắn, tong tả mở tủ lạnh. Anh bạn tôi vốn hiếu khách và tính rất cẩn thận, dù chỉ là một việc rất nhỏ.
-          Anh quên hai tách sáng qua ta chưa dùng; vì anh bảo vừa uống xong ở nhà ông thông gia, tôi phải cho vào tủ lạnh đó sao?!
-         Ờ nhỉ! thời tiết này mà uống càfe đá là quá hợp rồi! Này, nó có thể khởi hứng cho 1 bài tứ tuyệt vịnh cà fê – phở được đấy!
-         Chịu! tôi chưa thấy hứng đâu, chỉ thấy nóng quá! Anh làm trước đi!
-         Để xem! Để xem!... Nhưng trở lại câu hỏi đầu tiên của anh. Đó là 1 vấn đề thú vị, ẩn chứa một thi thoại đích thực! Mỗi người yêu thơ đều có con đường đến với thơ riêng của mình. Tới tuổi ngấp nghé thất thập này mà cùng ôn, nhớ lại để cùng cười xòa cho cái thú vui đeo đẳng suốt đời mà chẳng đi đến đâu,… có lẽ cũng vui và hay đấy! Hay chí ít cũng làm tiêu, quên được phần nào cái nóng oi sớm sủa của những buổi sáng như sáng nay…
               Tợp 1 ngụm nhỏ café đen đặc sánh, mát lạnh, nghe tiếng lanh canh của đá cục va vào lòng cốc sứ, nhìn mông ra phía bờ sông Nhuệ đã bắt đầu bốc lên làn hơi trăng trắng mờ mờ, chẳng biết sương hay khói, hay mắt già hoa cà hoa cải, tôi trầm ngâm nhớ lại:
-         Không hiểu sao lại thế, và thật khó có thể cắt nghĩa rành rẽ nguyên do, đoạn thơ đầu tiên ám ảnh tôi suốt gần 60 năm qua là 1 đoạn thơ rất xoàng, của một tác giả nào đó, tôi cũng không để ý, trong sách Tập đọc lớp 3. Tôi còn nhớ như in những câu sau:

                                       CHÚ ĐI TUẦN
                                                                                            (?)
… Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay.
Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!...
… Chú đi qua cổng trường,
Các cháu miền Nam yêu mến,
Nhìn ánh điện, qua khe phòng lưu luyến,
-            Các cháu ơi!
Các cháu ngủ có ngon không?
Cửa kính che kín gió,
Ấm áp dưới mền bông.
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay!
Hải Phòng yên giấc ngủ say...
     Anh có biết và nhớ bài thơ ấy của ai không?
-         Chịu! Tôi thấy đoạn thơ cũng chỉ ở mức xêm xêm như thơ của đa số các vị ở CLB  xã – phường ta thôi! xét về nghệ thuật thể hiện. Nghĩa là đơn giản về ý, tứ, lời cũng mộc mạc, đơn nghĩa. Được cái vần vèo trơn tru. Còn tất nhiên, nội dung tư tưởng tình cảm thì chuẩn quá, nhân văn, nhân ái quá rồi! Có lẽ chính vì yếu tố này mà nó được tuyển vào SGK cho trẻ học. Nhưng một bài thơ trung bình, không có gì đặc sắc, đặc biệt như vậy, tại sao lại đủ sức neo giữ vào tâm hồn anh dai dẳng đến thế?

-         Đã bảo tôi không hiểu nổi bộ nhớ kỳ quặc của tôi nữa mà!...
-         ?!
-         Đúng như anh nói! Nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần nhớ về những bài thơ, đoạn thơ đầu tiên hồi học tiểu học thì đoạn thơ Chú đi tuần ấy lại hiện ra trong óc, rõ mồn một. Trước và sau đó còn một hai đoạn nữa, đại loại giọng, vần và nội dung… cũng thế. Mỗi lần đọc đoạn thơ (thầm hoặc thành tiếng), trong tôi lại lập tức hình dung cảnh một anh công an (hay bộ đội), mũ lưới đính sao vàng, tiểu liên trong tay hoặc súng ngắn bên hông, đang lặng lẽ, nhẹ nhàng đi tuần tra an ninh dưới những lùm cây dọc đường phố Hải Phòng, canh giấc ngủ bình yên cho đồng bào, trong đó có các em thiếu nhi – học sinh miền Nam vừa tập kết ra miền Bắc theo cha mẹ, vào học tập trung ở ngôi trường đặc biệt đó.
-         Bài thơ là lời tâm tình, thể hiện tình cảm, tâm trạng của anh công an đó với các em. Có lẽ anh cũng là một chiến sỹ miền Nam tập kết nên bên cái tình còn cộng thêm màu sắc đồng hương cùng ở xa quê rất lưu luyến, gắn bó nữa…
     Rất nhiều năm sau, khi bản thân cũng bắt đầu tập tọng làm thơ, nhớ lại bài Chú đi tuần, tôi mới dần dần tự vỡ ra đôi điều nhập môn về công việc đặc thù này. Tôi nghĩ rằng một trong những lý do tạo nên sức ám ảnh của bài thơ ấy, đoạn thơ ấy, chính là ở cái hoàn cảnh thật, tình cảm thật và tâm trạng thật. Thật sự xúc động, chân thành, của người viết đã tạo sức lây lan, truyền cảm sang người đọc. Và đúng như các cụ xưa từng dạy thật chí lý: Với thơ: số 1: phải là tình. Sau đó mới đến cảnh. Và sự thì đứng sau cùng. Bài này cũng vậy. Cảnh chẳng có gì đặc biệt. Sự việc và nhân vật cũng hết sức đơn giản. Vậy cái còn lại và nổi lên đầu tiên, hấp dẫn người đọc chính là tâm tình của anh chiến sỹ công an với trẻ thơ trong đêm đi làm nhiệm vụ. Một tâm tình, tình người giản dị, chân mộc, hiền lành, tự nhiên bật lên thành tiếng thơ, lời thơ cũng giản dị, chân mộc như thế.
-         Nhưng, này Đường Văn! anh đừng nên quá say sưa, tô vẽ cho quá khứ phủ bụi vàng! Tôi phải nhắc anh một điều cũng giản dị không kém: Không phải bất cứ tình cảm chân thành, giản dị nào cũng có thể dệt thành thơ hay được đâu! Thơ hay còn cần bao nhiêu yếu tố phức tạp khác nữa chứ!
-         Đúng vậy! Lạ lắm anh ạ! Lạ cho cái đầu óc và tâm hồn hay bung biêng của tôi ấy. Bài Chú đi tuần, riêng tôi tự xếp vào loại thơ hay, đáng nhớ (vì sự thật đã được nhớ rất lâu),… đã đành! Nhưng, đến những câu thơ bàng bạc mà… nhớ mãi (?!) này thì tôi cũng lấy làm lạ cho mình!?
-         ?
-         Đây:
                                 SÁNG NAY TA PHÁ BỜ
                                               (Minh Huệ, tác giả Đêm nay Bác không ngủ)

… Sáng nay ta phá bờ,
Phá đi thời đại cũ;
Đón thời đại vũ trụ,
Bay tên lửa Liên Xô!

Ta bỗng nhìn lưỡi cuốc:
Một ánh lửa lóe lên…
     Và đây nữa, nhưng câu ca dao mới (hình như?!) của cụ Trần Hữu Thung:
Đầu cha con nghẹn tay thằng Pháp,
Vai mẹ con nặng ách thằng vua.
Quanh năm thắt bụng cày bừa,
Quanh năm nhặt bát cơm thừa, quanh năm!
-         Úi giời! - Lê vỗ đùi, cắt ngang dòng hồi ức của tôi. – Mấy câu “trứ danh” ấy thì tôi cũng nhớ. Đó chỉ là những câu thơ thời sự phục vụ chính trị trực tiếp một cách thô vụng, hời hợt. Thế mà sao nhiều người thuộc thế?! Lại còn đầu nghẹn trong tay nữa chứ! Ngay cả cái lý nghệ thuật rộng rãi trong thơ cũng không chấp nhận cách viết phi lý đến thế!
-         Tôi cho rằng đó là sức mạnh của thời đại. Chính cái không khí náo nức phơi phới của nông thôn miền Bắc nước ta cuối những năm năm mươi, đầu những năm sáu mươi, cái không khí say người, như sống trong mơ (chữ dùng của Hoài Thanh khi ông bình thơ Tố Hữu: Gió lộng) của người nông dân Việt Nam vừa được hưởng hòa bình, giải phóng, tự do, có ruộng cấy, trâu cày, nô nức, tin tưởng hoàn toàn ở Đảng, Nhà nước và Bác Hồ trên con đường làm ăn tập thể với ước mơ ấm no, hạnh phúc, có thể xây dựng thiên đường trên mặt đất, trong một tương lai không xa…!
-         Từ tổ đổi công tiến lên hợp tác,
Đời ta vươn lên như tre vượt mắt,
Xuyên qua từng lớp gai dầy
                                                                     (Yến Lan)
       đặc biệt là:
Dân có ruộng, dập dìu hợp tác,
Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê.
Chiêm, mùa, cờ đỏ ven đê,
Sớm, trưa, tiếng trống đi về trong thôn.
                                                     (Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng).
                              Miền Bắc: thiên đường của các con tôi!
                                                                                   (Bài ca xuân 61)
               Có thể nói những hình ảnh ngọn cờ đỏ, tiếng trống, đoàn xã viên hợp tác hằng ngày đi làm dập dìu qua đê, sang bãi, xuống đồng cùng với tiếng cuốc phá bờ phầm phập, hăm hở dồn điền, đổi thửa, quyết tâm đưa nông nghiệp miền Bắc tiến lên sản xuất lớn XHCN từng nhiều năm vang động trong thơ ca Việt Nam, dư sức tác động rất mạnh, rất sâu vào tâm trí ngây thơ, trong trắng và non nớt của lứa thiếu niên, nhi đồng chúng tôi khi ấy!
-         Lại nói đến sự tác động thần kỳ (tôi mạnh dạn dùng từ này mà không sợ quá cường điệu!) một thời của thơ Tố Hữu. Tôi cho rằng, ở Việt Nam, nửa sau thế kỷ 20, nhất là khoảng những năm 60 – 70, thơ Tố Hữu xứng đáng, rất xứng đáng được vinh danh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông có sức lan truyền rộng nhất, xa nhất, thấm sâu nhất những tư tưởng lớn, tình cảm lớn – yêu nước, cộng đồng, dân tộc và thời đại, trong sự tiếp nhận nồng nhiệt của đại đa số bạn đọc Việt Nam từ già tới trẻ, đủ các tầng lớp. Người Việt Nam đọc thơ ông, ngâm thơ ông một cách sảng khoái, hào hứng, hào hùng, khâm phục nhiệt thành như nói cùng, nhớ lại, vọng vang tiếng nói của cha ông, cuả đất nước, lịch sử với niềm tin vào lý tưởng và tương lai…Không một nhà thơ chuyên nghiệp nào ở Việt Nam đương thời, trước cũng như sau đó thành công được như ông. Tôi nghĩ bộ Lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ 20 nhất định phải định vị và ghi công Tố Hữu đúng như những gì thơ ông đã làm được, đã đóng góp cho nhân dân, đất nước, cách mạng và Đảng trong một giai đoạn cách mạng, một chặng đường lịch sử Việt Nam hiện đại.
     …Nhưng cũng đã từ lâu, tôi, và không chỉ riêng tôi, không còn thích thơ Tố Hữu, sùng bái thơ ông như xưa! Song, quả thực những câu thơ, bài thơ Tố Hữu đầu tiên tôi đã được tiếp xúc thì hình như vẫn giữ nguyên cái cảm xúc bồi hồi, hứng thú một cách hồn nhiên, không hề thay đổi.
              Chẳng hạn đoạn điệp khúc baì thơ Lượm mà tôi được học ngay từ lớp 1. Hình ảnh tươi vui, nhảy nhót, rất sống động, ngân nga…Mãi 5 năm sau (lớp 5: lớp 6 ngày nay), mới được học toàn bài. Mới biết thêm:
    Cháu cười híp mí/ má đỏ bồ quân Ở đồn Mang Cá/Thích hơn ở nhà
     Hình ảnh Lượm hy sinh vừa hiện thực vừa lãng mạn cách mạng:
     Cháu nằm trên lúa/Tay nắm chặt bông/Lúa thơm mùi sữa/Hồn bay giữa đồng!
              Những câu thơ xót xa, bùi ngùi, vời vợi nhớ thương của Tố Hữu nhập vai anh vệ quốc quân xa nhà, nhớ bầm, nhớ mẹ, vang lên dịu dàng, da diết trong một buổi  sáng mưa phùn đầu xuân, chúng tôi chăn bò bên bờ sông Nhuệ:
Mưa phùn ướt áo tứ thân,
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
              Trong màn mưa xuân giăng giăng trắng trời, trắng nước phía Cầu Sông Trèm, tôi cứ mường tượng bà bầm, bà bủ Phú Thọ ấy cũng như mẹ tôi đang oằn vai gánh phân qua cầu, bấm bàn chân trần xuống đường bùn trơn nhẫy. Thương biết bao nhiêu những bà mẹ Việt Nam thời nào và ở đâu cũng nhẫn nại hy sinh, vất vả, gian lao, gánh nặng cả đời. Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ: Bầm ơi! là một trong những bài thơ Việt Nam hay nhất, sâu nhất, lắng đọng nhất, xúc động nhất viết về Mẹ. Ai có thể sánh được với Tố Hữu - trong đời thơ của mình - đã từng mấy lần dựng được những bức tượng đài khác nhau về người Mẹ Việt Nam? Bà má Hậu Giang, Bầm ơi! Bà mẹ Việt Bắc, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt… Tại sao chúng ta lại có thể nhanh quên lịch sử và sự thật  như vậy?
-         Kỷ niệm về thơ Tố Hữu thì tôi cũng có nhiều. Ta có thể dành riêng 1 buổi đẫy để đàm đạo chuyên đề này. Giờ ta trở lại chủ đề ban đầu. Những bài thơ đến với anh thưở ấu niên còn có gì đáng nói, đáng nhớ nữa?
-         Có chứ! Chẳng hạn 2 bài: Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng!  của Lưu Trùng Dương (Văn tuyển lớp 7)Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc.
-         Tôi cũng thích hai bài đó nhưng không nhớ được mấy. Anh nhớ được nhiều không? Và cảm xúc hồi ấy cũng như bây giờ của anh về hai bài đó có thay đổi nhiều lắm không?
-         Mãi về sau tôi mới biết cụ Lưu Trùng Dương (1930) là em cụ nhà thơ – nhà viết kịch bản chèo Lưu Quang Thuận, chú nhà thơ – nhà viết kịch tài hoa yểu mệnh Lưu Quang Vũ. Hình như bây giờ cụ Dương vẫn sống đâu như ở Đà Nẵng?! (- Cần tra cứu lại google về chi tiết này! Lê bỗng chen ngang). Cụ viết nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ mỗi bài Đáng sống…ấy với đoạn sau:
Những chiến sỹ chon von,
Trên chòi canh biên giới.
Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi,
Ngày mù sương tơ tưởng một bến đò,
Đêm sáng trăng khao khát những vần thơ…

Nhưng anh lên đây, ấm rừng, vui bản,
Đèo suối nâng niu, bàn chân vạn dặm.
Gọi tên thổ phỉ trở lại làm chồng.
Giữa hòa bình, anh hiến máu trẻ trung,
Ghì đất nước trong vòng tay không mỏi…
              Những hình ảnh ấy có lẽ là sản phẩm của thuần tưởng tượng lãng mạn bay bổng, lại có vẻ sân khấu tuồng nữa; mà sao vẫn hấp dẫn, mê hoặc tuổi thiếu niên chúng tôi đến thế?!:
                         Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi,
Ngày mù sương, tơ tưởng một bến đò,
Đêm sáng trăng, khao khát những vần thơ…
              Có cảm giác như tác giả đã cùng đứng gác với anh chiến sỹ biên thùy (CANDVT), cùng chia sẻ tâm sự, tâm tình thầm kín với anh. Cái nhan đề bài thơ, rõ ràng rất chi là lên gân, hô khẩu hiệu chính trị. Trong bài, trong đoạn trích cũng chen vào không ít những câu thơ khẩu hiệu như thế… Vậy mà sao giờ đây đọc lại, vẫn thấy cảm xúc ngây thơ, trong sáng và đáng yêu đến thế?!
     - Hẳn vì hồi ấy tâm hồn mình cũng trong trắng, ngây thơ như thế nên dễ đồng điệu?!
              - Còn Lên miền Tây – bài thơ dài mang dáng dấp trường ca hào hùng, đầy khí thế, từng làm nức lòng cả giới thanh - thiếu niên Hà Nội cuối những năm 50 đầu 60. Bài thơ hay và có tính tư tưởng, tính giáo dục đến mức được chọn đưa vào sách Phụ lục Văn tuyển lớp 7 (cấp 2 phổ thông) năm 1961 – 1962). Và đến kỳ thi tốt nghiệp cấp 2 năm 1962 – 1963, đã được Ban Đề thi Sở Giáo dục Hà Nội trích 2 câu nổi tiếng, soạn thành đầu đề bình giảng cho thí sinh:
Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy,
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường!
               Chú bé học sinh ngoại thành làng Trèm 13 – 14 tuổi, học trường Đông Ngạc (Đức Thắng) mới bập vào tình yêu văn, yêu thơ như tôi đã viết như bị ma đuổi, mê man, háo hức bình giảng những cái hay, cái đẹp, cái cao cả, lý tưởng cách mạng được gợi ra từ hai câu thơ bốc lửa, kỳ diệu trên. Tôi hầu như quên rằng mình đang phải làm bài thi tốt nghiệp mà cứ viết, viết với tất cả niềm say mê, hứng khởi bồng bột cũng đang rất muốn lên đường, rời khỏi Thủ đô Hà Nội để đi xây dựng Tổ quốc XHCN, để xứng đáng là những đội viên, đoàn viên Thanh niên Lao động Việt Nam.
     Tôi không mất nhiều thời gian để học thuộc lòng bài thơ khá dài nhưng cũng khá vần (theo thể thơ tự do) ấy. Đến giờ, tôi vẫn có thể đọc thuộc trơn tru nhiều đoạn dài. Tôi nghĩ một trong những sức cuốn hút của bài thơ là ở giọng điệu và nhịp điệu rất lôi cuốn, liền mạch, khi ào ạt, cuốn bốc như sóng trào, khi nhẹ nhàng, chậm rãi như sóng ru. Sau này, càng khâm phục sức tưởng tượng và sự hóa thân vào hình tượng nghệ thuật của Bùi Minh Quốc hơn, khi viết Lên miền Tây, tác giả mới 18 – 19 tuổi, đang là học sinh lớp 9 (11) Chu Văn An; và chưa bao giờ ra khỏi Hà Nội! Tất nhiên, nhiều năm sau, khi đã là giáo viên dạy Văn, tôi có dịp đọc lại, ngẫm nghĩ kỹ thêm về bài thơ Lên miền Tây một cách khách quan, sâu sắc hơn. Nhận ra không ít nhược điểm, vụng về, non nớt, ngây thơ về cả tư tưởng – nghệ thuật của nó. Sự dài dòng, thừa thãi, dẫn đến trùng lặp của lời thơ và hình ảnh; những từ ngữ, hình ảnh sáo rỗng, đại ngôn: (Nghe gió rừng, tưởng khúc “Tiến quân ca”/ nghe âm vang cuồn cuộn thác sông Đà/ Tưởng giục giã tiếng kèn ta xung trận/ Đi chiến đấu là niềm vui bất tận/là mặt trời sưởi ấm vạn đời xuân/chí ta cao chót vót Hoàng Liên Sơn, sức ta đi vùn vụt cướp thời gian…/viết tiếp những trang thần thoại mới; cộm lên những chi tiết thiếu hiểu biết về kiến thức cơ bản của khoa học địa lý, lịch sử và luyện kim: Dựng lò đúc thép ở Điện Biên… chẳng hạn…!). Tuy nhiên, dù còn những nhược điểm, hạn chế ấy, bài thơ vẫn làm trọn xuất sắc nhiệm vụ chính trị – thời sự cuả nó một cách vẻ vang; vẫn có thể coi là một trong những hiện tượng thơ  thời ấy.
              Và với riêng tôi, Lên miền Tây, đến hôm nay, vẫn sôi sục, giục giã tôi bằng hình ảnh, nhịp điệu, bằng tư tưởng, tình cảm, mỗi khi nhớ lại cái tuổi hoa niên 13 – 14 áo trắng trong và tâm hồn như ngọc của mình. Theo tôi, sau này, Bùi Minh Quốc – Dương Hương Ly còn 2 bài thơ đáng phục, hiếm hoi nữa: Bài thơ về hạnh phúcĐất quê ta mênh mông. Mỗi bài hay, sâu, thấm một cách, một kiểu. Nhưng về độ bốc lửa, hừng hực và trong trắng toàn tâm, toàn ý, nhất khí quán hạ thì Lên miền Tây vẫn… đứng đầu. Tôi nghĩ, phải chăng đó là bộ ba chân kiềng vô cùng vững chắc tạo nên gương mặt thơ, thương hiệu thơ của họ Bùi nửa cuối thế kỷ 20. Chứ không phải là những bài thơ trữ tình  - chính trị nhức nhối, cay đắng, trần truị mà sâu thẳm nhưng cũng rất cực đoan, gai ngạnh, đầy tính phản biện và phản bác những quan điểm và phát ngôn chính thống, chính quy, mậu dịch (Nguyễn Hoàng Đức) về tình hình thực trạng xã hội và thơ ca của ông cựu tổng biên tập tạp chí Langbiang những năm gần đây và hiện nay!
-         Nãy giờ toàn gợi kỷ niệm đầu đời về thơ nội, thơ Việt. Còn thơ ngoại, thơ dịch thì sao? với Đường Văn? Tôi đoán lại không ngoài các cụ: Lý, Đỗ, Puskin… chứ gì?
-         Anh lầm! Với tôi, nhà thơ nước ngoài đầu tiên làm cho tôi sửng sốt vì sự lạ lùng, mãnh liệt trong tư tưởng, cảm hứng và nghệ thuật hình tượng ngôn từ thể hiện, chính là V.V. Maiacôpxki (1893 – 1930), người Grudia (Liên Xô cũ).
     Tôi vừa thích vừa sợ khi lần đầu được thầy giáo dạy Văn lớp 9 (11) THPT cho xem tấm ảnh chân dung cụ Maia. Mũi cao, môi dầy, nét, tóc cứng dựng. Đặc biệt là đôi mắt to, sắc nhọn, đang gườm gườm phóng ra những tia bắn trời bằng bê tông cốt thép! Tôi đã rất thành kính và cảm mến treo tấm chân dung ác liệt này trước bàn học của tôi suốt mấy năm liền.
     Về thơ cụ Maia, bài đầu tiên lập tức cuốn hút tôi, khiến tôi say mê không cưỡng nổi chính là đoạn trích trường ca: Lê nin (1924), cụ viết khi Lê nin vừa qua đời (cũng là năm ông thân sinh tôi ra đời), qua bản dịch từ tiếng Hoa của nhà thơ Hoàng Trung Thông. (Trong sách Văn tuyển lớp 10.) Về sau, có điều kiện học tập và nghiên cứu tiếng Nga, văn học Nga tại nước Nga, tôi được đọc thơ Maia bằng tiếng Nga và có thử đối chiếu ít nhiều với các bản dịch tiếng Việt của Xuân Diệu, Hoàng Xuân Nhị (qua bản dịch tiếng Pháp), Hoàng ngọc Hiến (trực tiếp dịch từ tiếng Nga), thấy bản dịch của Trạng Thông họ Hoàng vẫn thú vị và chuyển được rất nhiều hồn thơ Nga qua tiếng Việt. Có đến chết, tôi vẫn không sao quên được (không cần học, đọc 1 lần là thuộc ngay!?) những câu thơ bậc thang hùng vĩ, với những cách cắt nhịp, xếp từ, xuống dòng hết sức độc đáo này:
Hôm qua,
            lúc
                 sáu giờ năm mươi phút,
Đồng chí Lê nin
                           Từ trần!
Năm nay,
             chỉ thấy
                         một lần
Điều bất hạnh,
                    ngàn lần
không thấy nữa!…
Kinh hoàng
                 sắt thép
cũng rên la!
Sóng
          nức nở
                   tràn qua
                              những tấm lòng
                                                      cộng sản…
…Chúng ta
                 sẵn sàng
                              chết!
Cho Lê nin
                 được sống!
Cả thành phố
                   sẽ như
Cái kè
          mở rộng.
Cả triệu người
                       tình nguyện
lao vào.
              Miệng vẫn
                              ca vang…
     Thật là tuyệt diệu một cách kinh khủng, dữ dội. Càng đọc Maia, càng ngưỡng mộ, khâm phục thiên tài thi ca mang tầm nhân loại của ông, càng cảm thương cho cuộc đời vinh quang và cay đắng, số phận nghiệt ngã và cái chết tức tưởi của người nghệ sỹ vĩ đại khi tự cảm thấy cuộc sống và sáng tạo chẳng còn gì mới hơn!
-         Thế còn cảm nhận của anh về thể thơ bậc thang hồi ấy và bây giờ?
-         Tất nhiên hồi ấy, say như điếu đổ. Lạ quá! Hay quá! Và có vẻ dễ bắt chước nữa mới là điều thích thú nhất. Ít lâu sau được đọc trích đoạn  trường ca Đây! Việt Bắc! (Đi! Đây! Việt Bắc!) của Trần Dần (trên 1 số tạp chí Văn nghệ quân đội mất bìa, cũ mèm!) mới thấy cụ Tư Mã Gãy này cũng mê và học kiểu thơ bậc thang của cụ Maia thật tài tình, viết được những câu thơ bậc thang bằng tiếng Việt  thật tạo hình, man mác:
-         Đây!
          Việt Bắc!
                      Sông Lô
    Nước xanh,
                    tròng trành
                                     mảnh nguyệt.
   Bình Ca,
                 sương xuống,
          lạc
               con đò…
     Nhưng trong bài ấy lại có cả một đoạn thơ dài mà đầu các câu đều bắt đầu bằng điệp từ đây, ở đây… thì cụ Trần đã vô tình hay hữu ý bắt chước (học tập) cụ Maia (trong trường ca Lê nin), tuy lộ liễu và vụng về quá!
     Tố Hữu cũng học Maia về kiểu thơ bậc thang này trong 2 câu cuối bài thơ Với Lê nin (1958) mà chắc ông còn nhớ?
-         Và chiều nay,
                        trước lúc
                                      vội đi xa,
Người còn nghe:
                           thánh thót,
                                            Crup xcaia
Đọc trang sách:
                        “Tình yêu và cuộc sống!”...
      đúng không? Còn Tiếng chổi tre (1960), thực chất cũng là thơ bậc thang nhưng xếp theo kiểu thơ cột.
-         Ở Việt Nam mình, những môn đệ tự nguyện kiểu thơ bậc thang này, ngoài Trần Dần ra, còn phải kể tới Lê Đạt, Hữu Loan, Chính Hữu, Việt Phương…Trong đó Hữu Loan, Chính Hữu thành công hơn cả. Nhưng đến cuối thế kỉ 20, sang thế kỷ 21 này thì thơ bậc thang  cũng đã trở thành cũ lắm rồi! Nó cũng chỉ là 1 trong nhiều lối thơ, thể thơ hiện đại – cổ điển mà thôi. Nó có mặt mạnh và mặt yếu của mình. Nhìn chung, thơ bậc thang ít thích hợp với đặc thù ngôn ngữ tiếng Việt. Bây giờ, thi thoảng gặp cảm hứng phù hợp, tôi vẫn học cụ Maia, và các cụ tiền bối Việt mà tập tọng làm thơ bậc thang. Hồn Trèm (2013) là một ví dụ loàng xoàng của thơ bậc thang Đường Văn, mà anh biết đấy!
-         Tôi thì cho rằng thơ bậc thang chủ yếu là sự sắp xếp từ, câu và hình thức trình bày trên giấy để hướng dẫn người đọc ngắt nhịp thơ cho đúng, và gây ấn tượng thị giác mà thôi! Ngay chính ở Maia, thơ bậc thang cũng chỉ chiếm một phần trong sự nghiệp thi ca đồ sộ của ông. Trần Dần cũng chỉ làm thơ bậc thang trong giai đoạn đầu mà thôi! Theo tôi, hiện tượng bẻ, ngắt thơ lục bát và xếp thành 2, 3, 4 bậc trong thơ Việt hiện đại cũng là một biến thái từ lối cách tân đã xa xôi này!
-         Chỉ có Hữu Loan là chung thủy với thể thơ bậc thang ấy. Từ Đèo cả, Hoa lúa đến những bài thơ cuối đời…hình như cụ chỉ độc diễn một lối leo thang! Nhưng cứ đọc mãi một kiểu thơ, ngắm mãi một lối trình bày thơ,  cũng thấy đơn điệu, nhàm chán. Và cái hay, tự nhiên cũng giảm đi… vài ba bốn phần!...
-        
                                                        ***
-         Từ nãy đến giờ, tôi đã nói khá nhiều về kỷ niệm thơ của mình. Còn anh khôn quá, toàn gợi, hỏi. Bây giờ ta chuyển vị trí chứ? Ông bạn!
-         Thôi, có lẽ để hôm khác! Thiếu gì thời gian! Chuyện thơ sáng nay đã hơi bị dầm dề rồi đấy! Bây giờ, có nhẽ ta chuyển sang thưởng thức món nước vối tươi mới hãm với ngô nếp luộc bà Xuân nhà tôi mới mua ở chợ Trèm, xem sao!
-         Ờ, phải!
     Tôi mau mắn đồng tình và chúng tôi chuyển đề tài sang câu chuyện nước vối với khoai lang, ngô luộc, với sự tham gia của bà xã anh Lê./.


Sáng - chiều  nắng, oi
24 – 27-  5 – 2014.
ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét