Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

NHẶT MÀ ĐƯỢC CẢ THÚNG!

                                              Đường Văn

NHẶT  MÀ  ĐƯỢC CẢ  THÚNG!

(Về  Tuyển tập thơ ca Lá Nhặt Cuối Chiều của Đường Văn)
                                                         
ĐẶNG QUỐC VIỆT
                                                                                                           
Tôi đang ở T.P. Hồ Chí Minh thì nhận được email của anh Đường Văn gửi bản thảo Tuyển tập Thơ ca “ Lá nhặt cuối chiều” (LNCC). Thật vui và vinh dự! Tôi ngấu nghiến đọc đi đọc lại nhiều lần và hoàn toàn bị cuốn hút vào hàng trăm bài thơ anh làm từ thời trẻ cho đến lúc là “lão già gàn dở” (như anh tự nhận)!
Tất nhiên không phải bài nào, câu nào, từ nào trong đó tôi cũng thích, nhưng nhìn chung, tập thơ LNCC đã đem lại thú vị như món “phở tái tinh thần”cho tôi vậy! Đọc thơ, tôi hoàn toàn đồng cảm với bao nỗi niềm dầy vò, day dứt, cắn xé cả đời anh và càng thêm hiểu, thêm quý anh hơn! (Văn thơ khiến con người xích lại gần nhau là thế đấy! Nhưng cũng phải trừ một số ít cứ “cưỡng chế” người ta phải đọc!).
Thật ra, để nhận xét, bình thơ cho hoa mỹ và hùng hồn thì tôi kém lắm! Hoặc đi sâu vào nghệ thuật, phương pháp…(tức gọi là Lý thuyết Thơ ca) thì tôi lại quá lờ mờ! Vậy nên thường khi đọc thơ, nếu chỗ nào tự cảm thấy “hay” thì khen; có khi có những bài, những câu đọc lên liền vỗ đùi, vò tóc hoặc thần người ra, tự lẩm bẩm rằng : - Ôi! Chỉ có thế này mà mình không nghĩ ra được! Lại để nhà thơ nói hộ mình rồi! Mà câu, chữ của họ thì khỏi chê!... Và rồi thấy sướng, thấy đời thật vui!  Khi đọc Lá nhặt cuối chiều của Đường Văn, có một số câu, một số bài khiến tâm trạng tôi cũng  gần gần như thế!!
Dưới đây, chỉ xin điểm lướt qua một số bài mà tôi cho là tiêu biểu.

+ Bài “Mưa làm chi…mưa ơi!” (tr. 16): ta hãy nghe đoạn thơ sau:
Kìa sông quê căng nhức,
Như ta lên dây đàn
Nghe mưa hờn thổn thức
Chèo đưa, khoan nhặt khoan…

………………………………
                   Có ai lòng nắng hạn?
                   Có ai lòng mưa phùn?
                   Khóc người thương đi mất!
                   Quanh quẩn giữa đời chật,
                   Ta chẳng tìm thấy ta!
Đó là những cảm xúc hết sức tinh tế, so sánh thật chính xác, từ ngữ gợi tình, gợi cảnh … khiến người ta bùi ngùi nhớ tiếc, khát khao gặp lại “người thương” đã “đi mất” đến nỗi “Ta chẳng tìm thấy ta”.
+ Bài “Anh trở về…anh” (tr. 61)
Sao anh không viết – cho ngòi bút động gió?
Sao anh không nói – những gì anh trăn trở?
Sao anh không đọc – nạp thêm năng lượng?
Sao anh không nghĩ – mài sắc tư duy?
Sao anh không đi – mà xem,  mà nghe?
Sao anh cứ ngồi im – đếm từng xác lá?.......
Anh tự chất vấn mình và cũng là nói hộ cho chúng tôi: Nẫu lòng tiếc nuối những ước mơ hoài bão, ý chí vươn lên…nhưng vì nhiều lý do mà không thực hiện được, để đến nỗi giờ chỉ biết: “Như con bò nhai lại” mà thôi!  Điệp ngữ cứ lặp đi lặp lại: Sao anh không… Sao anh không…nghe như  bản luận tội đanh thép dành cho bị cáo vậy!  Anh đang xỉa xói anh, xỉa xói tôi, xỉa xói cả những ai đang bị “hèn” khi đối diện với Đời! đặc biệt là với chính sâu thẳm lòng mình, tâm hồn mình! Bỗng tôi thấy sợ chính mình khi đọc các bài thơ “tự trách” của anh!  Những bài thơ, câu thơ như thế thực sự đã làm “ Thức tỉnh hồn ta” đấy chứ!
Có điều tôi không đồng ý với anh: Vì tôi không “muốn chết”!
          Chẳng có tình yêu thì đi tìm tình yêu! Chẳng còn niềm vui thì tạo ra niềm vui! Quyết không để “tự hủy diệt”, không để “Tự ru mình giấc ngủ thiên thu!”
          + Các bài “Cưỡi hươu đến lớp” (tr.34), “Rất tầm thường!” (tr. 147), “Chân dung tự họa” (tr. 195), “Gặp” (tr. 202) … :
-         Suốt đời dở dở ương ương
Lòng tham, dục vọng.
-         Đa hồ đồ, thòi lòi mọi chuyện
Lại thường rao bán mắm tôm thơm!
Lào lạo ngoài da, ai mới gặp
Bé cái nhầm rằng khéo, rằng khôn!
-         Hoặc là : Gặp mỗi mặt ăn mày nhầu nhĩ cuối năm
  Ngỡ có mặt mình trong đó!
                   v…v… Đây là những bài bộc bạch, tự xỉ vả mình, đọc mà thấy “gai gai” cả người lên! Rất thật mà rất sâu sắc, rất mê mà rất tỉnh!  Anh thật “bạo” trách mình và trách người! Thường người ta tự trách mình bằng “Bồ tiên”(theo điển tích cổ Trung Hoa: tri huyện Lưu Khoan đời Hán nhân từ, dùng roi bằng cỏ bồ (bồ tiên) để trừng phạt tù nhân. Nguyễn Khuyến có bài  thơ châm: Bồ tiên thi), còn trách người thì né tránh! Anh thì cứ thẳng thắn nói “tới bến”, không vì nể, không sợ hệ lụy! Ngoài đời, anh cũng vậy! Tôi phục anh điều đó! Thua anh điều đó!
          + Những câu thơ như:
-         Nhưng cho cái này, lấy bớt cái kia
Nên chớ vội mừng, cũng đừng vội tiếc!
Anh tham con rô, tôi ham con diếc
Thảnh thơi sao bằng thằng ném thia lia! (tr.76)
-         Ơi Vừng! Mở cửa Vừng ơi!
Váo vênh, kênh lệch, tơi bời càng sâu.
Nhọc nhoài, giăng mắc càng đau,
Vụn thơ nhặt tới bạc đầu…mà chơi!  (tr.172)
-         Lại nhắm mây thu cùng gió hạ,
Năm chầy chủng chẳng chậm mà nhanh! ( tr.182)
          Hoặc như bài “Quét lá” (tr.222) :
                   Dậy sớm quét sân, dồn lá rụng
                   Sẩm chiều quét lại, lại vun đầy.
                   Quét mãi hồn hoang… ngàn xác lá,
                   Lá - Hồn hoang chuyển, Dã Tràng ngây!
          Theo tôi, thực sự là những câu thơ, những bài thơ rất tài hoa! Mỗi câu mỗi ý, mỗi cảnh…đều là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo! So sánh chính xác. Ẩn dụ kín đáo. Triết lý sâu xa! Đọc thơ lên, thấy nhói nhói trong lòng! Còn nhiều câu, nhiều bài nữa, không thể liệt kê hết được!
          + Bài “ Đất” (tr. 94): Tôi thấy câu kết chưa được chí lý!
                   Nát tan, cũng bởi thiếu thằng “mấu tre”!
“ Thiếu thằng mấu tre” chỉ là cái cớ mà thôi! Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến “nỡ đem thành thù” là lòng Tham, lối sống Phi đạo lý! Cái đó mới cần lên án mạnh!
          + Bài “Tình cũ” :
                             Không rủ,
                             Người xưa đâu?
                             Hôm ấy : cười?
                             Hôm nay : khóc?
                             Nỡ vất Kim cương
                             Chọn Đá mầu!
Tôi không đồng tình với cách cư xử này! Tác giả đứng ngoài cười nhạo “người tình cũ” đang đau khổ ! Lại còn xưng xưng tự cho mình là “ Kim cương” nữa chứ!!
          + Trong tập thơ, tôi thấy anh dùng hơi nhiều Hán tự không cần thiết! Có khi còn cả “chừ, hề”nữa (Chùng chình tr.170 hoặc Chờ Thu - Thu đợi, tr.187) đọc lên, có cảm tưởng như đang lạc bên bờ sông Mịch la, ngấm cái lạnh, cái sầu của các tráng sỹ Tàu xưa, vậy!
          + Tôi muốn nói đến một bài nữa đã gây ấn tượng mạnh cho tôi: bài “ Mùi Tam quốc”  (tr.240). Tôi đã đọc tập thơ “ Vịnh Tam quốc” của anh, nhưng bài “Mùi Tam quốc” này mới thực sự làm tôi thích thú! Nó đã nêu ra một khía cạnh khác, mới và hay! (Theo chuyện cười dân gian: Hồng lâu mộng có mùi son phấn; Tam quốc chí có mùi binh đao…). Còn các bài ở trong “ Vịnh Tam quốc”, anh bình luận các nhân vật dù có công phu mấy cũng không thể bằng được “người xưa” đã bình!
                                                       *  *  *
          Tập Tuyển thơ ca “ Lá nhặt cuối chiều” hơi dài (ngót 300 trang, hơn 300 bài thơ), đọc hơi mệt!
          Nhưng đang sắp thấy mệt thì lại bừng tỉnh vì vừa gặp những câu, bài hay, thú vị và đáng thán phục làm cho người sảng khoái hẳn lên, không khác gì lính Tào đang khát mà nghe nói có rừng mơ phía trước. Có điều, đội quân của Tào Tháo chỉ là “nghe nói”, còn tôi gặp “ vườn mơ” thực sự , trồng ở thôn Đại Đồng đất Chèm ta!

          Vì ở trên đã nói tập thơ hơi dài nên tôi buộc phải viết ngắn!
          Không phải để đối lập với sự dài của anh, mà để mình khỏi tự mâu thuẫn với mình! Thế thôi!
          Trước khi kết luận, xin nói rõ quan điểm:
          Khi đọc và đánh giá tập Tuyển thơ, tôi hoàn toàn tránh hai xu hướng: hoặc là “ Bụt chùa nhà không thiêng”, hoặc là chiếu cố “cây nhà lá vườn”! Trong các tập thơ của các nhà thơ từ trước đến nay mà tôi đã được đọc (kể cả chuyên và không chuyên), nếu xếp theo thứ tự cao dần, điểm xuất phát từ chỗ ta đang ở (từ Hà Nội chẳng hạn), xếp các nhà thơ ta gặp khi “ra ngõ” và điểm cuối cùng là làng Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du (Tố Như); thì tập thơ của người con đất Chèm ta “ Lá nhặt cuối chiều” đã ở quá xa cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)! (Ấy là tôi không kể đến “ hệ số hâm mộ” của tôi đối với anh, nếu cộng cả nó vào thì tập thơ của Đường Văn có lẽ sẽ đến gần…thành phố Vinh (Nghệ An), không chừng!).
          Vâng, xin lỗi bạn đọc! Đấy là nói bằng hình ảnh ví von theo cách của riêng tôi. Tôi không phải là nhà phê bình văn học. Mà dù các nhà phê bình chính cống, cũng chắc gì đã đúng hẳn, đã khách quan hoàn toàn 100%! Cho nên cảm hiểu sao, tôi cứ viết vậy! đúng được bao nhiêu thì đúng, đúng nhiều càng hay!

***
          Cuối cùng, rất mong anh đừng vội “muốn chết”! Một con người lắm tài như vậy đừng“tự hủy diệt”! (Bốn môn: Cầm, Kỳ Thi, Họa… cái gì anh cũng hay! Chỉ riêng môn Kỳ là tôi có thể thắng anh! Tôi tự lấy làm an ủi vì chưa đến nỗi thua trắng 0 - 4!)          
          Chúc anh Đường Văn trẻ, khỏe, yêu đời, gia đình hạnh phúc và có nhiều tác phẩm hay nữa !

                                 T.P. Hồ Chí Minh,
một ngày đầy nắng gió  17- 4 - 2014
                                                            ĐQV;     0945 366 307
         





         
  


                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét