Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

CHÙM THƠ BIỂN ĐÔNG

                                                                                             Hoàng Dân

       
 CHÙM THƠ BIỂN ĐÔNG    của  HOÀNG DÂN


  Nghĩ về con “quái vật” Hải Dương 981

Giữa đại dương bao la một màu xanh bình yên
Bỗng lù lù một dàn khoan như con quái vật
Sặc mùi bá quyền
Cắm vào giữa lòng tự tôn dân tộc

Chúng mang tới cả trăm loại tàu lớn nhỏ
Phô trương cả những nòng đại bác đen ngòm
Và không ngớt tuôn ra những giọng điệu la làng
Của phường ăn cướp

Luật biển của loài người văn minh
Luật pháp của một láng giềng hữu nghị
Tiếng nói của những người có lương tri
Với chúng? Chỉ là tờ giấy lộn...

Chúng ta phải làm gì
Trước một gã khổng lồ hung bạo
Nếu không chịu sống quì
Thì chỉ còn một cách... chấp nhận hiểm nguy!

Những con tàu chấp pháp Việt Nam
Ít hơn nhiều lần và nhỏ hơn về vóc dáng
Vẫn hiên ngang trên vùng biển chủ quyền
Lướt sóng dọc ngang ngoan cường kì lạ

Giữa đại dương bao la một màu xanh bình yên
Con quái vật như một gã côn đồ ngông ngạo
Tay cầm dao và miệng la hét điên cuồng
Ngàn năm Tổ quốc đau thương
Cái giá cho lòng tự tôn chưa bao giờ là rẻ!

                                               Thạch Bàn
                                                22.5.2014


                            Nguyên vẹn Hoàng Sa ­1

Kính tặng Đại tá phi công, AHLLVTND và các đồng đội của anh

“Đáng lẽ tụi mình chết cho Hoàng Sa thì vinh dự hơn!” 2
Đó là nỗi dằn vặt trong tâm hồn của những con dân nước Việt
Bốn mươi năm trời biền biệt
Gặp nhau trong những khoảng lặng thật buồn


Một mảnh đất dù nhỏ cũng là giang sơn
Của cha ông đã dựng xây bằng máu xương bao thế hệ
Phải giữ gìn và bảo vệ!
Có lời thề nào thiêng liêng hơn thế?

Lệnh đến giờ G!
Một trăm hai mươi máy bay xuất kích
Cùng những phi công tình nguyện kí tên
“Xin được chết vì Hoàng Sa”! 3

Nhưng đau đớn thay!
Cái giờ G đó đã không bao giờ đến nữa
Bởi những kẻ đi đêm toan tính thấp hèn
Biển ơi, người có mặn chát thêm?

Bốn mươi năm trời đằng đẵng
Những chàng trai luôn nhớ tiếc một thời
Nếu ta được vút lên bầu trời ngày ấy
Thì Hoàng Sa vẫn nguyên vẹn đến bây giờ...

                                             Thạch Bàn
                                              28.4.2013


1. Xem bài: Phỏng vấn Đại tá phi công, AHLLVTND Nguyễn Thành Trung của Trung Dũng và Minh Nguyễn, đăng trên Sài Gòn tiếp thị media, 26.4.2013
và bài: Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại – Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hoà lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa của Đỗ Hùng và Tấn Tú, Thanh Niên online, 10.1.2014.
Tóm tắt nội dung trả lời phỏng vấn của đại tá Nguyễn Thành Trung: sau ngày 19.1.1974, không lực VNCH đã tập trung 5 phi đoàn máy bay chiến đấu (mỗi phi đoàn 24 chiếc) tại sân bay Đà Nẵng để chuẩn bị cho một trận tập kích bằng đường không tái chiếm Hoàng Sa, nhưng do có sự thoả thuận ngầm giữa Mĩ và Trung Quốc, nên Mĩ cảnh báo không được hành động.
2. Lời các đồng đội của đại tá Nguyễn Thành Trung nói với nhau mỗi khi hội ngộ.
3. Khẩu hiệu hành động của các phi công chiến đấu thuộc không lực VNCH.


      Những màu đỏ

                       Kính tặng tàu cá QNg 96382 TS 1 (Lý Sơn, Quảng Ngãi)
cùng thuyền trưởng Bùi Văn Phải và thuyền viên Phạm Quang Thạnh

Chiếc tàu cá mỏng manh
Can trường đè sóng dữ
Nghìn đời nay vẫn thở
Bằng hào khí cha ông

Đất Nam thì vua Nam ở 2
Biển Nam thì dân Nam đánh cá
Cớ sao có kẻ manh tâm
Giở thói côn đồ, hải tặc?
                   
Chiếc tàu cá mỏng manh
Chở theo những ngư dân quả cảm
Tay không đối mặt bao họng súng kẻ thù
Giữ lá cờ bằng máu đỏ trong tim

Lá cờ đỏ ngời lên trong lửa đỏ
Ngạo nghễ, thiêng liêng cột mốc chủ quyền
Bên những chàng trai thô ráp lành hiền
Giương cao lá cờ như một đức tin
                    
Chiếc tàu cá mỏng manh
Treo cờ đỏ ra khơi
Lá cờ đỏ tươi màu máu
Mặc cho lửa ác đỏ trời...


                                                                Thạch Bàn
                                                                 29.3.2013

1. Ngày 20.3.2013, chiếc tàu cá này bị tàu Trung Quốc bắn cháy rụi ca bin và bắn gãy cột cờ; ngay lập tức thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã dựng lại cột cờ và lá cờ Tổ quốc lại tiếp tục tung bay.

2. Lấy ý của câu thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” trong bài thơ “Thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt.

                          Nếu không có biển

Nếu không có biển thì không có cuộc chia tay huyền thoại
của 50 người con lên rừng và 50 người con xuống biển
người lên rừng thì toả xuống đồng bằng trồng lúa, làm nhà
dựng đình, chùa và đặt ra lễ nghi, phong tục
người xuống biển thì đóng thuyền đánh cá ra khơi
lập đền thờ Cá Ông thấm đẫm hồn thiêng lễ hội
trăm người con cứ nhẫn nại sinh sôi
trên dải đất có dáng hình cong cong như hàng mi không chớp
nghìn năm qua vẫn đau đáu dõi biển Đông
những giọt lệ ngóng chồng, đợi cha
đuổi theo những con tàu ngoài khơi xa biền biệt
vì mưu sinh và cũng vì phên giậu cõi bờ

Nếu không có biển thì cũng khó biết ta là ai
giữa trùng khơi luôn thất thường bão tố
những hiểm nguy rình rập đêm ngày
biển cho đôi bàn tay những lớp chai dày
những thớ thịt trụi trần rám nắng
những ánh mắt khát khao cháy bỏng
những bền gan đè sóng ra đi
không đầu hàng sau mỗi cuộc chia li
dẫu nhiều lần trắng tay vẫn không rời bể
những chiến binh cảm tử với ngư trường

Nếu không có biển thì đất nước sẽ nghèo đi biết bao
khi thiếu những tên người, tên đảo từ thời vua Lê, chúa Nguyễn
một đảo Lý Sơn với những ngôi mộ gió
những lễ khao lề gọi vong lính Hoàng Sa
một đảo chìm Gạc Ma với vòng tròn bất tử
máu loang đại dương đau đớn vỗ vào bờ
một Côn Sơn với anh linh người liệt nữ1
khiến kẻ thù cũng phải thành tâm làm bia mộ dâng hương
một biển Đông mênh mông vẫn sừng sững một con đường
với những cái tên Phan Vinh2 , Văn Hiệu3...

Nếu không có biển thì tâm hồn ta sẽ nghèo đi biết bao
khi thiếu những câu thơ mặn mòi sóng gió:
                        Chỉ có thuyền mới hiểu
                        Biển mênh mông nhường nào
                        Chỉ có biển mới biết
                        Thuyền đi đâu về đâu4
                        …
                      
Nếu không có biển thì chỉ còn sa mạc mênh mông
không có những buồn vui kiếp người thăng trầm cùng sóng vỗ
những giọt nước mắt
dù chân thành
khổ đau và thương nhớ
cũng nhạt đi
và lạnh lẽo,
vô hồn...


                                    3.2011-3.2013




1. Viên thiếu tá nguỵ Tăng Tư, chúa đảo Côn Sơn (1966-1968) đã đặt làm một tấm bia bằng đá cẩm thạch rất đẹp ở Chợ Lớn, đưa ra Côn Sơn, long trọng làm lễ đặt bia, dâng hương tại ngôi mộ của Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu.

2,3. Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu là những người anh hùng đã hi sinh cùng những con tàu chở vũ khí vào chiến trường miền Nam thời kì chống Mĩ, trên con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

4. Trích trong bài thơ “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh.


                                                  
                                                        Lịch sử

Con cái không có quyền lựa chọn mẹ cha
dù giàu sang hay bần hàn
dù khôn ngoan hay tăm tối
thì vẫn là những đấng sinh thành tuyệt đối
không thể bán mua
không thể chối bỏ

Dân tộc không có quyền lựa chọn cõi bờ
dù ở non cao hay trong thẳm sâu rừng rú
dù bốn bề sa mạc cằn khô
hay bên bờ đại dương nghìn đời sóng dữ
đó vẫn là quê hương xứ sở
là Tổ quốc muôn đời của triệu triệu sinh dân

Ta gọi đó là lịch sử

Để nuôi ta khôn lớn nên người
mẹ ta tần tảo một đời khốn khó
không ít lần gian nan đứt bữa
đau thắt lòng nghe ta khóc đòi ăn
và những ngày điêu linh binh lửa
mẹ chở che ta run rẩy tấm thân gầy
tất cả những điều đó ta không nhìn thấy
nhưng đó là lịch sử làm người

Để có ngày hôm nay ta nhìn lên bản đồ
lặng ngắm cõi bờ có dáng hình tia chớp*
đối mặt đại dương bao la xanh thẳm khôn cùng
lòng bỗng rưng rưng nhớ những tiền nhân anh hùng
suốt nghìn năm đã bỏ mình vì nước
nắm xương tàn phơi trắng gò hoang
và cảm thương hàng triệu vành khăn tang
thắt trên đầu những nàng vọng phu như định mệnh
tất cả những điều đó ta không nhìn thấy
nhưng đó là lịch sử làm nên phẩm giá con người

Mẹ cha và cõi bờ
ta không có quyền lựa chọn
và càng không có quyền chối bỏ
bởi đó là lịch sử
muôn đời
                                             Thạch Bàn
                                                8.4.2013
* Mượn ý của nhà thơ Trần Mạnh Hảo










                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét