Giải
Nhất của cuộc thi viết thư quốc
tế UPU năm nay thuộc về em Phạm Phương Thảo,
học sinh lớp 7B8, trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Một
điểm khá thú vị, Phạm Phương Thảo
là một học sinh lớp chuyên Toán.
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43.
Với chủ đề “Hãy viết một bức thư diễn
tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào” tác giả Phương Thảo đã hóa
thân vào cây vĩ cầm của cậu con út bà chủ. Từ bối cảnh chồng bà chủ bỏ nhà đi
theo cô nghệ sỹ chơi violin nổi tiếng khiến bà căm thù âm nhạc, căm thù cả cây
đàn nhưng cậu út lại có ước mơ chiếm lĩnh âm nhạc để xóa đi những mặc cảm trước
đây.
Bức thư của Phương Thảo được Ban
giám khảo đánh giá là một bức thư rất xúc động, giàu lòng nhân ái và có tính
chung, tính phổ quát cao.
Năm nay cuộc thi đã nhận được hơn
1,3 triệu bài dự thi, nhiều hơn gần 80.000 bài dự thi so với cuộc thi viết thư
UPU 42, từ học sinh của 43 tỉnh, TP trên cả nước.
Đánh giá về chất lượng cuộc thi năm
nay, ông Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Phó trưởng Ban
giám khảo quốc gia cuộc thi viết thư UPU 43, nhận định chủ đề cuộc thi viết thư
quốc tế năm nay được các giáo viên dạy văn và các em học sinh đánh giá là một
đề bài hay. Qua cuộc thi UPU 43, các em thiếu nhi Việt Nam cũng đã cho thấy sự
cảm thụ rất tinh tế, đặc biệt thể hiện rõ nhất là ở những bài đạt giải cao tại
cuộc thi năm nay.
Sau năm vòng chấm, Ban tổ chức đã
trao một giải Nhất, ba giải Nhì, năm giải Ba, 30 giải Khuyến khích. Ngoài ra,
Ban tổ chức cũng trao ba giải phụ cho thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh dân tộc
thiểu số và giải dành cho học sinh khuyết tật.
Bức thư đạt giải Nhất quốc gia sẽ
được dịch sang tiếng Pháp và được Ban tổ chức gửi tới Văn phòng UPU tại Thụy Sỹ
vào ngày 25/4/2014 để đại diện thiếu nhi Việt Nam dự cuộc thi viết thư quốc tế
UPU 43.
Đây là cuộc thi lần thứ 24 được tổ
chức ở Việt Nam.
Dưới đây là bức thư đạt giải Nhất cuộc
thi viết thư quốc tế UPU của Phương Thảo:
Kính gửi bà!
Tôi là cây vĩ cầm nhỏ của cậu Vĩ
Phong - con trai út của bà. Những ngày tháng vừa qua quả là những ngày tháng
căng thẳng và vô cùng đau khổ của gia đình bà. Tôi xin chia buồn. Nhưng xin bà,
bà đừng làm mất đi niềm đam mê âm nhạc của cậu con trai bé bỏng.
Là một cây đàn ngày ngày được để gọn
ghẽ nơi góc phòng, tôi được chứng kiến sự tình đang diễn ra trong gia đình bà.
Chồng bà đã bỏ đi theo cô nghệ sĩ chơi violin nổi tiếng khiến bà buồn bã và trở
nên ghét violin, ghét cái gọi là âm nhạc. Vì vậy mà bà nỡ vô tình phá hỏng ước
mơ âm nhạc của cậu con trai để cậu lại trở về sống lầm lũi như trước ư?
Cậu chủ bị mù từ nhỏ. Cậu đã nhiều
lần tâm sự với tôi về cuộc sống xưa kia. Khi chưa có tôi, cậu lặng lẽ, cô đơn
biết bao! Không bạn bè, không vui chơi, không dám bước chân ra khỏi nhà khi
không có ba mẹ… Cậu mặc cảm, tự ti, luôn dựa dẫm vào người khác. Cho đến một
ngày, vô tình nghe thấy tiếng đàn violin bên tai, cậu khao khát có một cây đàn.
Nhiều lần như vậy, chẳng biết từ đâu, niềm đam mê âm nhạc đã trỗi dậy trong tâm
hồn nhỏ bé của cậu. Từ khi tôi đến với cậu, mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn. Âm
nhạc với cậu là từ đôi tai, nhưng hơn cả là từ trái tim. Cậu đã học chơi đàn
với đôi mắt mù lòa và niềm khâm phục của cô giáo dạy nhạc. Từng đầu ngón tay
khẽ lướt gậy qua khung đàn, cậu đã cảm nhận âm nhạc bằng tình yêu, niềm say mê.
Cậu quá yêu âm nhạc!
Và rồi, bà biết đấy, cậu chủ đã mở
lòng với cuộc sống. Cậu đòi đi học, đòi đi chơi, đòi được giao lưu, tiếp xúc
với mọi người. Một phần cậu muốn khoe mình biết chơi đàn, và một phần là do sự
tác động của âm nhạc với tâm hồn cậu. Âm nhạc ư? Nó không chỉ là thứ sinh ra để
giải trí, mà còn làm thay đổi cuộc sống của cả một con người. Chính tôi - thứ
nhạc cụ đại diện cho âm nhạc đã biến một cậu bé lầm lũi trở thành người có ước
mơ, hoài bão. Bà có biết cậu đã ước mơ trở thành một nghệ sĩ chơi violin tài ba
không?
Vậy là bà đã hiểu sự lay động của âm
nhạc tới mỗi con người như thế nào. Cậu con trai bé nhỏ của bà là minh chứng rõ
ràng cho điều đó. Tâm hồn cậu trong sáng hơn, lạc quan hơn, cậu sống có mục
đích hơn. Cậu muốn đi học, muốn được chơi với bạn bè, có nhiều bạn bè yêu mến.
Cậu đã vứt hết cái mặc cảm của cuộc đời đen tối trước kia. Ấy là khi âm nhạc
lên ngôi. Âm nhạc quá quan trọng, quá cần thiết với cậu. Nó mang đến một chân
trời mới, một thế giới mới - thế giới của ánh sáng, của những thăng hoa mà cậu
đã nhìn thấy không phải bằng đôi mắt. Tương lai đang đến, thử tưởng tượng một
cậu bé có cái tên Vĩ Phong kiêu hãnh đứng trên sân khấu, mải miết theo những
nốt nhạc cao vút và rong ruổi cùng sự tán thưởng của khán giả - thứ mà bà không
mang đến được, ba cậu cũng không mang đến được.
Đó chẳng phải là một điều kì diệu ư?
Và bà chẳng phải sẽ rất hạnh phúc và
tự hào ư?
Vậy mà tại sao bà nỡ cấm con trai
mình chơi nhạc vì một lẽ quá ư là cá nhân. Nhưng bà có biết, mỗi khi bà ra khỏi
nhà là cậu chủ vẫn lén lôi tôi ra, kéo lên những nốt nhạc bình yên, thả hồn
mình vào những giai điệu trong veo. Để rồi mỗi lần bà về, cậu cuống lên vứt tôi
vào xó, như những gì bà đã làm với tôi - đập tôi không thương tiếc để bà không
phát hiện. Sau mỗi lần ném tôi như vậy, cậu lại sà vào chỗ tôi, ôm tôi trong
lòng, thổn thức với những tiếng nấc trong đau đớn. Còn tôi, sau những trận bầm
dập bởi bụi bặm, vì tình thương, sự nâng niu, trân trọng của cậu chủ, tôi vẫn
sống như hôm nay.
Bà chủ đáng kính! Chẳng nhẽ bà muốn
cuộc sống của con trai mình trở về sự lầm lũi ngày xưa sao? Chẳng nhẽ bà muốn
cậu bé đầy khát khao và ước mơ kia phải từ giã âm nhạc, từ bỏ những tiếng đàn
đã làm cho cậu tự tin như ngày hôm nay sao? Bà thật vô tâm và độc ác quá! Âm
nhạc một khi đã là cuộc sống của con người thì khó có thể kéo nó ra khỏi họ.
Vì vậy, tôi mong bà sau khi đọc bức
thư này, hãy gạt đi những nỗi buồn cá nhân mà nghĩ về con trai mình, về tương
lai tươi sáng mà cậu đang hướng đến. Tôi rất mong có một sự thay đổi tốt đẹp.
Từ căn phòng của cậu chủ.
Cây Violin
Cây Violin
Theo Huy
Hà
Pháp
luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét