Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Lược thuật buổi tọa đàm A.Puskin ở Việt Nam


TỌA ĐÀM A.PUSKIN Ở VIỆT NAM

                                  Võ Nhu lược thuật

Kỉ niệm 215 năm sinh của Đại thi hào Nga A.Puskin, Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga, Hội Hữu nghị Việt Nga, Phân viện A.Puskin Hà Nội và Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long đồng tổ chức cuộc tọa đàm “ A.Puskin ở Việt Nam” tại Trụ sở Hội nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Đến dự có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, cùng đông đảo các nhà văn, dịch giả, nhà giáo và các bạn yêu thơ, các cơ quan thông tấn Trung ương và Hà Nội.
          Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn nói qua về hoạt động kỉ niệm trong đó có trưng bày bộ sưu tập A.Puskin ở Việt Nam, thi đọc thơ A.Puskin; xuất bản sách về Puskin. Sau đó ông  điều khiển buổi tọa đàm.
          PGS.TS Vũ Nho nói về việc tiếp xúc với văn xuôi của A.Puskin trước khi đến với thơ. Diễn giả nói về kỉ niệm thơ Puskin trong nhà trường, về việc mình đã lí giải “ Truyện cổ tích về người đánh cá và con cá nhỏ” viết bằng thơ của A.Puskin được dịch thành văn xuôi “ Ông lão đánh cá và con cá vàng” như thế nào. Chuyện cái máng gỗ ( để cho gia súc ăn hoặc để giặt giũ) được dịch thành “cái máng lợn” ra sao. Vũ Nho cũng kể chuyện đã sống bốn năm ở Xanh Peterbua và đến thăm ngôi nhà Puskin sống, không đến sông Đen nơi nhà thơ đấu súng, nhưng ghé quán cà phê có manơcanh Puskin uống cà phê trước khi đấu với Đan tét. Đặc biệt là lần thăm Nga năm 2010, diễn giả đã mua được một tài liệu của nhà báo N.Paina viết về người chắt trai của A.Puskin và đã dịch công bố trên báo Văn Nghệ.

          Nhà giáo Vũ Thế Khôi giới thiệu cuốn thơ của A.Puskin ( song ngữ) mới được xuất bản gồm có 97 nguyên tác tiếng Nga với 163 bản dịch khác nhau của 37 dịch giả nhiều thế hệ. Đó là ấn phẩm để kỉ niệm 215 năm sinh của A.Puskin ở Việt Nam.
          Dịch giả Xuân Vi kể lại những kỉ niệm tiếp xúc với thơ A.Puskin qua bản dịch từ tiếng Hán của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ông nói có 10 năm làm việc ở sông Đen ( không phải sông Đen chỗ Puskin đấu súng) mà sông Đen chính là sông Đà của Việt Nam. Ở đây, ông có nhiều cơ hội đọc thơ của Puskin cho các bạn Nga.
          Giáo sư Nguyễn Trường Lịch cho rằng cần phải dịch thơ A.Puskin và văn học Nga nói chung trên tinh thần nghiên cứu so sánh, không chỉ dừng lại ở việc cảm thụ đơn thuần.
          Nhà thơ Đàm Khánh Phương kể lại ấn tượng về hận thù và tình yêu trong tác phẩm của Puskin ám ảnh ông suốt cuộc đời.
          Đại diện của phân viện A.Puskin phát biểu về hoạt động của viện hướng tới kỉ niệm 215 năm sinh nhà thơ. Tiếp đó anh Nguyễn Đức Trường, cán bộ phân viện hát bài ca phổ thơ A.Puskin bằng lời Nga và lời Việt.
          Nhà giáo Vũ Thế Khôi kể thêm là Puskin, văn học xô viết đã ảnh hưởng như thế nào đối với một số nhà thơ, nhà văn Việt Nam.
          GS Bùi Hiền nhấn mạnh nhà thơ Puskin là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học Nga. Puskin đã  sớm đến Việt Nam qua tiếng Pháp và tiếng Hán. Nhưng việc tiếp xúc với nhà thơ trực tiếp qua tiếng Nga là một điều vô cùng quan trọng. Ông lo lắng thấy đội ngũ các chuyên gia về  tiếng Nga, văn học Nga ngày một hao hụt.
          PGS Trần Vĩnh Phúc kể lại những kỉ niệm cùng các nhà văn Vũ Thế Khôi, Thúy Toàn khi học ở trường sư phạm Lênin tiếp xúc với A. Puskin. Ông cũng kể lại chuyện dẫn học sinh Việt Nam đi thi Olympic tiếng Nga. Đoàn có 7 em thì đoạt 6 huy chương vàng, một huy chương bạc. Đặc biệt là em nhỏ nhất đoàn, sau khi đọc “Truyện cổ tích về người đánh cá và con cá nhỏ” đã trả lời câu hỏi của Ban giám khảo : Em sẽ muốn điều gì khi có cá vàng? Em đã nói là không ước gì cho mình, mà chỉ ước cho các bạn nhỏ được sống trong hòa bình, hạnh phúc.

          Nhà văn dịch giả Thuy Toàn  cám ơn những người tham gia tọa đàm và mời chụp một vài kiểu ảnh lưu niệm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét