Có
một khoảnh khắc của muôn đời...
Hoàng Dân
Tình yêu là gì?
Không ai trả lời được! Không thể lí giải được tình yêu là gì, nhưng nhân loại
vẫn cứ dấn thân vào tình yêu với tất cả những thuộc tính khát vọng dường như
vĩnh cửu. Xưa yêu thế nào thì nay vẫn thế. Phương Tây yêu thế nào thì phương
Đông cũng thế... Cái cách bày tỏ tình yêu có thể khác nhau chút ít, nhưng các
cung bậc của tình yêu thì bao giờ cũng có một mẫu số chung. Cái mẫu số chung ấy
là những khát vọng tinh thần thánh thiện và cả những ham muốn trần tục đáng sợ.
Không có khát vọng thì tình yêu chỉ là những cuộc giao hoan của thú vật, nhưng
nếu không có ham muốn trần tục thì tình yêu cũng trở nên khuyết tật, dị dạng.
Vấn đề chỉ là mức độ và cách thức thể hiện những ham muốn trần tục mà thôi!
Tình yêu là men say của tình dục, tình dục là phần thưởng của tình yêu, không
có tình dục thì tình yêu sẽ chết yểu, nhưng chỉ có duy nhất tình dục thì tình
yêu sẽ trở nên bệnh hoạn, do vậy có thể nói tình
yêu là tình dục được tỏa chiếu bởi ánh sáng của lí trí và tình cảm! Nghĩa
là trong tình yêu, yếu tố văn hóa, tính đồng thuận, sự tự nguyện và khát vọng
hòa nhập là đặc biệt quan trọng; nó quyết định sự tồn tại lâu bền của những mối
tình lớn và nó mang vẻ đẹp của sự chinh phục đồng thời với dâng hiến. Tất cả
đều tuyệt đối, tuyệt đối đến mức cực đoan!
Không ít bạn
trẻ có thể ngộ nhận rằng ngày nay họ yêu hiện đại hơn các cụ ngày xưa, họ bảo tình yêu của các cụ rườm rà quá, nhiêu khê quá, mất thời gian quá! Chẳng hạn, ai đời
lại đi tỏ tình vòng vo thế này:
-
Bây giờ mận mới
hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
-
Trên trời có
đám mây xanh
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Nói như vậy thì oan cho các cụ quá! Hãy
thử xem:
-
Gặp nhau anh
nắm cổ tay
Anh hỏi câu này: có lấy anh không?
-
Có chồng thì
mặc có chồng
Ở đây vắng vẻ tơ hồng cứ xe
-
Đôi ta gặp gỡ
nhau đây
Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang
-
Đôi ta chút
nghĩa đèo bòng
Như cá gặp nước như rồng gặp mây
-
Ước gì anh hóa
ra chăn
Để cho em đắp, em lăn, em nằm
Ước gì anh hóa ra tằm
Để ta được cuốn mấy vòng vào nhau
...
Ngày nay, tình
yêu của các bạn trẻ liệu có gì mới hơn
tình yêu của các cụ?! Còn nhiều lắm
những câu ca dao về tình yêu mà hôm nay chợt đọc, chúng ta hẳn sẽ không khỏi
giật mình về cái tính hiện đại vĩnh
cửu của nó. Xin thử bàn một trong những câu ca dao như vậy:
- Còn đêm nay nữa mai đi
Lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề
Còn đêm nay nữa thôi ư? Có đêm
nay tức là trước đó đã có nhiều đêm rồi! Nhiều đêm ngồi kề bên nhau chứ không
phải nhiều đêm ướm hỏi qua trăng sao mây gió vu vơ. Ngày xưa các cụ không gọi việc trai gái có tình ý với
nhau là tình yêu, mà gọi là phải lòng! Cái cách gọi ấy sao mà dân dã
và tình tứ! Nó lại quá đúng! Bởi khi trai gái đã có tình ý với nhau thì lòng dạ
làm sao mà yên ổn cho được? Và cũng bởi ngày xưa các cụ thường bảo nghĩ bụng, bụng
bảo dạ, lòng dạ không yên , nóng lòng sốt ruột, lòng lành, lòng vả cũng như
lòng sung/ một trăm lòng vả lòng sung một lòng, muốn ăn lại gắp cho người/ gắp
đi gắp lại nó rơi vào lòng, được lời như
cởi tấc lòng, lòng chàng ý thiếp, lòng lại dặn lòng...chứ chưa phân biệt
rạch ròi lí trí và tình cảm theo khẩu khí hiện
đại như chúng ta ngày nay. Đã phải
lòng thì tấc lòng chỉ nghĩ về nhau, dành cho nhau, nhớ về nhau... thật dữ
dội:
-
Nhớ ai bổi hổi
bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
-
Nhớ ai ra ngẩn
vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai
-
Thương anh bụng
sát tận da
Anh thì không
biết tưởng là đói cơm
-
Đêm nằm lưng chẳng
tới giường
Mong trời mau sáng ra đường gặp em
...
Chỉ có điều tất
cả những yêu thương và nhung nhớ ấy đều bị coi là ... phạm pháp! Bởi lễ giáo
phong kiến nghiêm cấm việc trai gái tự do yêu đương! Chính vì bị cấm đoán, bị
phong tỏa, bị trói buộc nghiệt ngã đến vô lí và tàn nhẫn, cho nên tình yêu càng
có sức công phá ghê gớm hơn! Và hiển nhiên giá trị của tình yêu đôi lứa (theo ý
nghĩa đồng thuận, tự nguyện, dâng hiến...
) càng được trân trọng và tôn vinh ở một tầm vóc cao hơn như nó vốn có (của
trời ban cho)! Đôi trai gái đã cả gan xé
rào lễ giáo phong kiến để ngồi bên nhau nhiều đêm mà vẫn giữ được mình, vẫn
đủ tỉnh táo để có một điểm dừng thích hợp thì quả là một tình yêu đẹp đáng
ngưỡng mộ. Nhưng cái còn đêm nay nữa đã
đặt đôi trai gái vào một tình huống thật điển hình bởi nó là thời điểm lửa thử vàng để có thể kết luận đây là
một mối tình trong sáng, chân thành, cao thượng, đẹp đẽ hay chỉ là một hành vi
lợi dụng tình dục tầm thường của những gã trai họ Sở ?! Hẳn là nhiều đêm trước,
chàng trai đã hơn một lần rủ rê cô gái ăn
trái cấm và cũng hơn một lần nài nỉ người yêu cho mình được tận hưởng lạc
thú của sự dâng hiến tuyệt đối? Có lẽ cô gái, bằng sự đoan trang và bằng những
lời thưa gửi mềm mỏng, chân thành nhưng không kém phần dứt khoát của mình đã
khiến cho chàng trai không thể vượt qua cái lằn ranh giới mong manh đầy cám dỗ
giữa tình yêu và tình dục. Trong tình huống này, chúng ta cần phải đồng cảm và
chia sẻ với cô gái. Thứ nhất, một khi đã tự nguyện gần gụi với chàng trai thì
hẳn nhiên cô gái cũng phải có những ham muốn khác giới như người yêu của mình,
thậm chí là còn ham muốn mãnh liệt hơn. Thứ hai, bản tính của người con gái là
cả nể, rất dễ xiêu lòng trước những lời đường mật của con trai. Thứ ba, đây là
đêm cuối cùng được ở bên người yêu. Những đêm trước, giữ được mình đã khó, còn
đêm nay thì việc từ chối dường như quá sức chịu đựng của thần kinh? Ngày mai
chàng đi, có thể sẽ trở về và cũng có thể không lắm chứ? Làm sao mà đoán biết
được những rủi may đang rình rập chàng ở phía trước? Nếu không cho chàng, lỡ sau này không còn cơ hội
gặp lại nhau thì sẽ ôm hận suốt đời. Nhưng nếu cho chàng mà mai ngày chàng trở về thì mình có bị rẻ rúng, hắt hủi
hay không? Ai mà biết được sự đổi thay quay quắt của lòng người? Sông sâu còn có kẻ dò/Lòng người ai dễ mà đo
cho tường?
Tại sao lại là Lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề? Thời nào thì lạng vàng cũng
có giá trị cả. Có lẽ đối với những chàng trai, cô gái nghèo thì lạng vàng là
một tài sản quá lớn, suốt đời họ sẽ chẳng bao giờ có được. Tuy nhiên, lạng vàng
vẫn là một thứ tài sản vật chất có thể cân đong đo đếm và qui ra thóc được; còn
như cái phút ngồi kề thì phải nói là
vô giá, không tiền bạc nào có thể mua nổi! Nó là khoảnh khắc nén chặt đáng sợ
của tình yêu, do đó nó vừa có thể là khoảnh khắc tuyệt vời mang vẻ đẹp vĩnh cửu
của đời sống tinh thần, lại vừa có thể là cái ngòi nổ của bản năng dục vọng
thiêu rụi mọi giá trị của tình yêu. Muôn đời nay và muôn đời sau vẫn thế. Con
người luôn phải đối mặt với tình yêu ở hai mảng màu tối và sáng, hai cảm giác tự
hào và tủi nhục, hai hành vi khóc và cười, hai trạng thái được và mất, hai cực
hạnh phúc và bất hạnh...
Tình yêu không chỉ có nụ cười hồn nhiên vô tư,
mà còn có cả những giọt nước mắt tiếc nuối, ân hận, xót xa... Và ngay cả những
giọt nước mắt nữa, nó có thể ngời sáng long lanh vì quá hạnh phúc và cũng có
thể là một tín hiệu cáo chung cho một số phận tuyệt vọng vì bị phản bội, bị
cướp đoạt và còn vì (điều này mới thật khủng khiếp) đột nhiên nó bị mất giá
trị! Hai người chỉ có thể yêu nhau khi người này có một giá trị không thể thay
thế đối với người kia và ngược lại. Mất cái giá trị ấy thì tình yêu thật sự đã
chết!
Vậy cuối cùng
thì cô gái có cho hay không? Dường
như câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ...
Các bạn trẻ
đang yêu hiện đại liệu có tham khảo
được gì ở mối tình trong câu ca dao
trên ?!
17 tháng giêng Giáp
Thân
(7.2.2004)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét