Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

PHÍA GIÓ SƯƠNG LẶNG THẦM THƯƠNG NHỚ




PHÍA GIÓ SƯƠNG LẶNG THẦM THƯƠNG NHỚ
                   Đọc 2 tập thơ Hoa lối sau chùa
Phía gió sương của Vương Tùng Cương*
                             Vũ Nho

          Cơn lốc đô thị hoá sau thời mở cửa đã cuốn bao nhiêu người dạt lên thành phố. Họ bỏ lại dòng sông, cánh đồng, đất đai thân thuộc về làm quen với nhà ống, đường nhựa, với cuộc sống sôi động, ồn ào, bươn chải gian lao. Không phải là biệt xứ nước ngoài, nhưng họ vẫn là những người lìa quê, bỏ làng, xa xứ. Họ tựa như “những đám mây lưu lạc. Tụ về từ xa xôi” ( Gặp). Họ không nguôi nhớ chốn quê xưa vì “ Những ngày phố rát sôi lửa nắng/ Mỗi bước đi trĩu nặng bão từ” ( Những ngày phố). Năm một vài lần về quê, ở vài ngày, ăn vài bữa cơm lại càng làm cho nỗi nhớ thêm da diết: “ Những mùa quê thương nhớ/ Vời vợi xa sái lòng” (Mùa thương nhớ). Trong số những người ấy, có một nhà thơ thân tuy về với phố, hồn vẫn còn chốn quê. Đó là Vương Tùng Cương với nỗi niềm lặng thầm thương nhớ phía gió sương.
          Vương Tùng Cương  đã từng trải đời chiến chinh “ biền biệt tháng năm viễn xứ”, từng lăn lộn những nẻo đường phố thị, từng hì hục  gửi “Thông điệp từ đêm phố”, để rồi thấm thía nhận ra rằng mình trước sau vẫn chỉ là một người quê “Khao khát chiều quê thông thênh đồng gió”. Và khi  năm cùng, tháng tận, tết đến, xuân về thì tuy chung tâm trạng với Trần Huyền Trân** nhưng lại nghiêng hẳn về đồng quê như một nơi trú ẩn vĩnh viễn của hồn mình: Giá rượu bia thì đắt/ Rau rẻ đến ngậm ngùi/ Nghe phố phường sắm tết/ Thương quá đồng quê tôi” ( Rau tết).
          Vương Tùng Cương đã viết về đủ thứ: tình bạn, tình yêu, trung du, rừng, biển, thế sự, thù tạc... Nhưng có lẽ đọng lại chút gì ở người thi sĩ này thì chính là những câu thơ về miền quê lặng thầm thương nhớ trong anh. Đó là thơ của anh thi sỹ quê đồi “ Thơ tảo tần khoai lúa khôn nguôi” ( Thi sĩ quê đồi). Cái mối cảm tình ấy lúc nào cũng dào dạt, nồng nàn, nhưng lại được thể hiện khá khuất nẻo, kín đáo. Nó là thứ hoa gạo son dâng lửa, nhưng không phải của cây gạo giữa đồng, cây gạo cạnh  ngã ba, cây gạo trên sườn dốc, mà là cây gạo sau chùa ẩn dật : “ Hoa như đổ phẩm lối sau chùa” ( Chùa Bổ Đà).

          Quê hương trong anh là Làng xưa, là Đồng sương, là Nhã Nam chợ núi, là Mùa quê thương nhớ, là Hội hát đợi em, là Tháng mười sương giăng, là những kí ức tuổi thơ mờ tỏ: Bát cơm đỏ tôm riu/ Bưng rong ngoài ngõ nắng/ Ngóng mẹ trưa xế bóng/ Gặt qua chiều đồng xa ( Mùa quê thương nhớ). Không chỉ là những hình ảnh đẹp, mà còn là cả những kí ức thấm buồn của một vùng hoang vu sơn cước đói nghèo: Những mái nhà hắt hiu tranh nứa/ Quanh lửa sàn khuya trầm lặng người già/ Lũ trẻ cời than lục vùi khoai sắn/ Bữa đói chiều hờn dỗi cả trong mơ ( Lửa rừng xưa). Quê hương là mẹ, người mẹ đi cấy  “nón chấm bùn” xa xót lòng con : “ Lặng mơ hình bóng mẹ/ Gập lưng nón chấm bùn/ Dảnh mạ gầy tháng chạp/ Cấy buốt mùa gió sương” ( Đồng sương). Quê hương ấy là những người phụ nữ trồng rau tảo tần, chân trần gánh rau, gánh bao nhiêu vất vả lo toan : “ Sà sã đôi vai em/ Bàn chân trần nẻ miếng/ Gánh cả mùa gió sương/ Rét lùa manh áo mỏng” ( Rau tết). Quê hương là “ những âm thanh làng thức với sao khuya”. Tiếng tằm ăn dâu, tiếng sa quay, tiếng con trẻ nô đùa và bao thứ tiếng thân quen : “ Gà gáy loang dần/ Chó sủa bóng xa/ Đêm trở giời cá động ao bì bõm/ Nghe hoang vắng tiếng vạc xa tìm bạn/ Người kéo vó khuya ho húng hắng tuổi già
( Làng xưa). Quê hương là  con đường chợ Nếnh với niềm vui con trẻ được theo bà đi chợ, được ăn quà, lại còn có bánh đa mang về nhà thay nón mũ : Chiếc bánh đa đội đầu che nắng/ Dọc đường về chân sáo hồn bay” ( Chợ Nếnh)...
          Đăm đắm với quê nghèo như thế, nên những mảnh đời lam lũ, những con đường “bụi nhuộm đỏ cây”, “bụi nhuộm đỏ người”, những em bé đánh giày đường phố, những em bé hái măng “ tháng ngày đắng hơn măng đắng” dễ làm thi sĩ mềm lòng. Những câu thơ này cứ như khía vào tâm trí người đọc :
Những mầm măng chưa đầy tháng đã lìa rừng/ Các em bán măng tuổi vỡ lòng nhỡ học/  áo quần nhàu nhĩ phong phanh/ Những áo măng như tã lót trẻ sơ sinh/ Chợ Mường lay các em về xốc xếch, bình minh” ( Măng đắng).
     Không còn nghi ngờ gì, cái bài thơ quê hay nhất của Vương Tùng Cương là bài thơ Rau tết. Ở đây tình quê, nỗi quê, hồn quê, đã tìm được sự hoà hợp đặc sắc trong một hình thức giản dị :
          Giờ cuối tháng chạp rồi/ Rau xanh rờn gió bấc/ Rau đỗ đầy bến nước/Rau giăng hàng chợ phiên// Sà sã đôi vai em/ Bàn chân trần nẻ miếng/ Gánh cả miền gió sương/ Rét lùa manh áo mỏng// Bàn tay em vun nắng/ Cải lên ngồng đơm hoa/ Chắt chiu từng hạt giống/ Mùa rau xanh đồng nhà// Giá rượu bia thì đắt/ Rau rẻ đến ngậm ngùi/ Nghe phố phường sắm tết/ Thương quá đồng quê tôi.
          Một đời viết mà viết được một bài thơ về quê hương như thế cũng đáng để nâng chén, nhâm nhi mà tuyên bố xanh rờn : “Thôi...an bài số phận mình thôi” ( Tự bạch).
                                                          Hà Nội, 10/9/06
--------------
*)
Hoa lối sau chùa, nxb Văn hoá thông tin, 1999.
Phía gió sương, nxb Hội nhà văn, 2005.
**) Bóng đơn đi giữa kinh thành
      Nhìn duyên thiên hạ, nghe tình người ta ( Tương tư)
         

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn Bác Vũ chăm chỉ điểm văn. Cho chúng em, những người già,
    nguôi ngoai nỗi nhớ xưa.

    Bát cơm đỏ tôm riu
    Bưng rong ngoài ngõ nắng
    Ngóng mẹ trưa xế bóng
    Gặt qua chiều đồng xa...

    Cảm ơn tác giả Phía gió sương!

    Trả lờiXóa
  2. Khà khà khà!
    Ông bạn khen chăm chỉ làm tôi sung sướng quá. Mỗi ngày một bài viết của mình hoặc của bạn bè. Vì vậy ngày nào quán cũng có món mới phục vụ khách. Bây giờ nhà thơ Vương Tùng Cương ở Đà Lạt rồi. Chắc không biết địa chỉ Blog này để sẻ chia sự đồng cảm của VanPham!

    Trả lờiXóa