Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Ao ta hay...



Ao ta hay...
                                         Hoàng Dân

Có một câu ca dao tưởng là đơn nghĩa, không còn gì phải bàn nữa, thế mà hóa ra lại gây không ít tranh cãi, đó là câu:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Có lẽ xưa nay nhiều người vẫn cho rằng câu ca dao này chỉ có một nghĩa là trâu ta ăn cỏ đồng ta! Nếu vậy thì câu ca dao thường quá, sao có thể sống với thời gian lâu bền thế? Trước hết, cần phải tìm hiểu hệ qui chiếu của đại từ ta trong ca dao nói chung, sau đó mới có thể phần nào hiểu được ý nghĩa của một câu ca dao cụ thể nào đó. Chẳng hạn:
                                                   - Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ
                                                - Mình nói với ta mình vẫn còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro

                                                 Ta đi xách nước rửa cho con mình

Con mình vừa đẹp vừa xinh
Một nửa giống mình, nửa lại giống ta
                                                   - Mình về mình có nhớ ai
Ta như dầu đượm, thắp hoài năm canh
                                                 - Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
                                                   - Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
...
Đọc những câu ca dao trên, thật khó mà dám khẳng định ta là ai? Chủ thể hay khách thể? Số ít hay số nhiều? Ngôi thứ nhất, thứ hai hay thứ ba?... Một khi đã không thể tìm ra đáp án xác định cho những câu hỏi trên thì tính giả định về ý nghĩa của mỗi câu ca dao càng trở nên đa dạng, phức tạp khó lường.
Xin trở lại câu ca dao đang bàn. Tại sao phải đặt vấn đề Ta về ta tắm?

- Ta về: thông thường có đi thì mới có về, nhưng ở đây hình như việc đi-về có một cái gì đó không bình thường? Bởi nếu chỉ là một hành động lặp đi lặp lại hằng ngày, mang tính thường xuyên đến mức nhàm chán thì việc gì phải lên như vậy? Có lẽ người đi, đã đi rất xa, rất lâu... cho nên phải quyết tâm lắm mới có thể về được! Nhưng đi xa và đi lâu chỉ là nghĩa đen được suy ra từ đời sống thường nhật, còn trong câu ca dao nó là nghĩa bóng của hình tượng nghệ thuật. Đi xa là khoảng cách về tâm lí, tình cảm chứ đâu phải là khoảng cách về không gian, địa lí? Đi lâu là mức độ nghiêm trọng của sự rạn nứt tình cảm, là mức độ sâu sắc của sự hiểu lầm, thậm chí là hận thù chứ đâu phải thời gian xa cách cơ học?
- Ta tắm: cũng tương tự như trên, có lẽ lâu lắm rồi không tắm, cho nên mới phải lên như vậy. Nhưng ý nghĩa hình tượng ở đây có thể là: hình như giữa chúng ta có một món nợ ân nghĩa nào đó cần phải thanh toán thật sòng phẳng! Nghĩa là đã đến lúc chúng ta cần phải thay đối đầu bằng đối thoại, cần phải có thiện chí để cùng hàn gắn những rạn nứt đáng tiếc bởi dù sao giữa chúng ta cũng có một kỉ niệm chung về cái ao ta!
- Ao ta: là cái ao của chúng ta. Có thể đó là cái ao làng, cái ao ở đầu làng mà bất kì một làng quê Bắc Bộ nào cũng có. Đó là cái ao chung, nơi hằng ngày, sớm đi thì khỏa nước rửa mặt, chiều về thì té nước rửa chân tay; đó là nơi cả làng thường gặp nhau để chia sẻ vui buồn, trong đó có chúng ta. Đó chính là cái bến nước mà đám đàn bà con gái thường gặp nhau để tâm sự về chuyện chồng con, đôi lứa, duyên phận, rủi may... Đó còn là nơi hằng năm vào dịp cuối tháng chạp, làng tát ao để chia cá cho mọi nhà om một nồi cá kho vùi trấu ăn Tết... Mỗi khi làng tát ao, chúng ta xuống hôi cá (nhặt những con cá còn sót lại) và thường cố ý bắt nhầm vào tay nhau để... cười và để nhớ... Ôi, có biết bao nhiêu kỉ niệm trong trẻo xung quanh cái ao làng! Có thể với ai đó thì nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với chúng ta thì nó vẫn thiêng liêng, vẫn xao lòng... bởi tuy ít ỏi, nhưng nó vẫn hơn con số không (0)! 
 Dù trong dù đục là gì?
Dù trong dù đục có thể hiểu là khi trong khi đục, lúc trong lúc đục, vừa trong vừa đục... , nhưng điều muốn nói với nhau là gì? Trong, đục là một thực tế; không thể lảng tránh. Cũng như con người có tốt có xấu, khi tốt khi xấu, vừa tốt vừa xấu... Nhân vô thập toàn mà! Vấn đề là hãy chọn cái tốt của nhau để xích lại gần nhau, để chơi với nhau và để nhớ về những kỉ niệm chung của một thời. Phải nhìn thẳng vào sự thật, nhưng chẳng nên khoét sâu vào những thiếu sót làm gì! Bởi vì giữa chúng ta còn có một cái ao nhà kia mà. Ao ta là cái ao của chúng ta, của cả làng, cả xã. Còn ao nhà là cái ao của chúng mình, nghĩa là những kỉ niệm đã được khoanh vùng ở một diện hẹp hơn. Có thể nó chỉ là kỉ niệm riêng của hai người nào đó, không thể có người thứ ba chia sẻ. Kỉ niệm này thiêng liêng hơn, sâu sắc hơn và có thể nó đã trở thành một đức tin trong đời sống tinh thần của con người. Tóm lại, giữa chúng mình đã có những kỉ niệm xung quanh một cái ao nhà, có thể so với cuộc đời, nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với hai ta thì có lẽ nó đã trở thành một phần máu thịt không thể dứt bỏ cho đành.
Vậy câu ca dao có những tầng ý nghĩa nào?
            Thứ nhất, nếu ta là đại từ ngôi thứ nhất số ít thì có thể đó là lời giãi bày để chủ động giảng hòa với đối tác trữ tình. Lời giãi bày với ai? Có các khả năng sau:
- Một kẻ tha hương muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn.
- Vợ (hoặc chồng) vì một lí do nào đó đã chia lìa, nay muốn trở về đoàn tụ.
- Chàng trai (hoặc cô gái) vì một sự hiểu lầm nào đó mà tình duyên lỡ dở, nay muốn nối lại tình xưa.
- Một chàng trai (hoặc cô gái) vô tình với những tình cảm chân thành ở quê hương, mải mê đuổi hình bắt bóng một cách vô vọng ở nơi quê người.
            Nếu ta là đại từ ngôi thứ nhất số nhiều thì đó là lời kêu gọi đồng loại, đồng hương sau khi đã hóa giải những hiềm khích và hiểu lầm. Kêu gọi ai? Có thể là kêu gọi những kẻ tha phương:
Thôi, hãy bỏ qua tất cả để trở về với quê hương, với ông bà tổ tiên. Lá rụng về cội, Cáo chết ba năm quay đầu về núi kia mà! Người Việt ta nặng tình lắm. Với lại, cái cảnh sinh vô gia cư, tử vô địa táng nào có hứa hẹn điều gì tốt đẹp đâu?
            Nếu ta là ngôi thứ hai số ít thì có thể đó là khách thể giãi bày của một đôi bạn, một cặp vợ chồng, một lứa đôi, anh em, cha con... theo truyền thống một bồ cái lí không bằng một tí cái tình, chín bỏ làm mười, bớt giận làm lành, một điều nhịn là chín điều lành, tay đứt ruột xót, anh em đánh nhau đằng cán...
            Nếu ta là ngôi thứ hai số nhiều thì có thể đó là tiếng gọi bầy của một cá thể đối với một cộng đồng nhằm tìm ra tiếng nói chung hòa hợp, hòa giải:
-         Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng
-         Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
-         Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Nếu ta là sự phân thân và hòa nhập tâm trạng của cả chủ thể và khách thể thì ta là một hình tượng đa nghĩa mang tính ước lệ rất cao, do đó mọi sự cảm nhận và bình giải cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, thậm chí là rất tương đối mà thôi!
            Với quan niệm như vậy, chúng tôi cho rằng câu ca dao trên có những tầng ý nghĩa sau:
  1. Tầng nghĩa rộng:
    1. Đại từ ta là đại từ có hệ qui chiếu mở, nó vừa chỉ ngôi thứ nhất, vừa chỉ ngôi thứ hai (cả số ít và số nhiều).
    2. Với hệ qui chiếu mở như vậy, đại từ ta là cách xưng hô để giãi bày, để kêu gọi tình đồng loại, đồng tộc, đồng hương.
  2. Tầng nghĩa hẹp:
    1. Đại từ ta có hệ qui chiếu xác định, nó chỉ ngôi thứ nhất (số ít, chủ thể) hoặc ngôi thứ hai (số ít, khách thể).
    2. Với hệ qui chiếu xác định như vậy, đại từ ta là cách xưng hô để chủ động tạo lập một quan hệ đối thoại, chủ động làm lành với nhau, cùng nhau một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng!
    3. Với tầng nghĩa hẹp này, vẫn có thể có những cách hiểu như sau:
- Lời đối thoại của cha – con, anh – em, vợ – chồng...
- Lời đối thoại của một lứa đôi đang bén duyên hoặc đang cố gắng nối lại tơ duyên bị gián đoạn (vì một lí do khách quan hoặc chủ quan nào đó)...

            Tóm lại, câu ca dao trên không thể chỉ có một nghĩa hẹp như: trâu ta ăn cỏ đồng ta/tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm được, mặc dù ý nghĩa của câu ca dao này cũng không phải chỉ có vậy bởi ít nhất nó còn có nghĩa đen và nghĩa bóng kia mà?! 

3 nhận xét:

  1. Có lẽ tác giả Hoàng Dân có chút nhầm lẫn về ngôi trong xưng hô tiếng Việt. Ta chỉ có thể là ngôi thứ nhất số ít và ngôi thứ nhất số nhiều. Tuyệt đối, TA trong tiếng Việt không bao giờ là ngôi thứ HAI ( số ít hay số nhiều đều không có)!

    Trả lờiXóa
  2. Ừ nhỉ, "ta" có thể là "tôi, tao", ngôi thứ nhất số ít, chẳng hạn để trả lới câu hỏi: "cái cặp này của ai?", trả lời: "của ta chứ ai" (của chỉ một cá nhân tôi).
    "Ta" cũng có thể là ngôi thứ nhất số nhiều, chẳng hạn một nhóm học sinh đi cắm trại, khi lên đường bạn trưởng nhóm nói "nào ta đi nhé", "ta" ở đây là "chúng ta" ngôi thứ nhất số nhiều.
    Có trường hợp nào để chỉ "ta" là ngôi thứ hai số ít và số nhiều khôngg? Đúng là nghĩ mãi không ra bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kính bác Hiệp!
      Ta chỉ số ít : - Đương say ta chả biết là hoa ( Thơ Nguyễn Khuyến). Một mảnh tình riêng ta với ta ( Bà huyện Thanh Quan - Qua Đèo Ngang)
      Ta chỉ số nhiều : Đôi lứa như ta được mấy người ( Nguyễn Khuyến- Gửi bác Châu Cầu) Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi ( Nguyễn Khuyến - Nước lụt Hà Nam). Chữ TA số ít tương đương TÔI, chữ TA số nhiều tương đương CHÚNG TÔI, CHÚNG TA. Bác nghĩ không ra là đúng, tôi cũng không thể nghĩ ra. Vì ngôi thứ HAI chỉ người đối thoại với ngôi thứ nhất Tôi - ANH (số ít) , Tôi - Các ANH ( số nhiều). Tôi cho rằng tác giả HD có chút lầm lẫn ở đây.

      Xóa