Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Vẻ đẹp nụ cười người con gái






QUÊ HƯƠNG
          Giang Nam
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
“Ai bảo chăn trâu là khổ”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kì
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên ( có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn ( thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi
Hòa bình tôi trở về đây
Vẫn mái trường xưa, bãi mía luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con ( khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng.
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc giết em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi
Đau xé long anh chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi
                   1960
Lời bình của Vũ Nho
VẺ ĐẸP NỤ CƯỜI NGƯỜI CON GÁI
Có câu ca “ Người xinh cái bóng cũng xinh”. Nhưng có lẽ nét xinh đẹp dễ nhận biết nhất của người con gái  là nụ cười. Ca dao viết:
          …Miệng em cười
          Như hoa mới nở, như mặt trời mới lên
Tác giả “ Bên kia song Đuống” cũng đã viết những câu thơ rất đẹp về bao người con gái “khuôn mặt búp sen” :
          Những cô hàng xén răng đen
          Cười như mùa thu tỏa nắng
Giang Nam trong bài thơ “ Quê hương” mà các bạn đã quen thuộc cũng viết về nụ cười người con gái. Nhà thơ không tả vẻ đẹp của nụ cười mà lại chú ý đến tiếng cười. Nhưng từ chuyện “âm thanh” ta cũng biết được không chỉ vẻ đẹp của nụ cười mà còn cả vẻ đẹp tâm hồn của cô gái nữa. Trong bài thơ, nhân vật trữ tình cô gái có ba lần cười:
-         Cô bé nhà bên, nhìn tôi cười khúc khích
-         Cô bé nhà bên ( có ai ngờ) cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
-         Lại gặp em thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười, khi tôi hỏi nhỏ
Chắc là cũng ít người để ý đến sự khác nhau của ba lần cười đó, chính xác hơn là lần cười thứ ba khác với hai lần đầu.

-         Ui dào, có gì đâu! “cười khúc khích” hai lần, lần thứ ba thì chả nhẽ lại cười khúc nữa, e nhàm, vì thế phải viết “khúc khích cười” chớ sao?
Nếu sự việc chỉ có vậy thì đành phải chấm hết bài viết ở đây. Nhưng xin hãy rộng lượng cho…Ba lần cười đó ở ba hoàn cảnh khác nhau, ba thời điểm khác nhau thì đã hẳn. Điều quan trọng là đối tượng của tiếng cười và nguyên nhân cười cũng rất khác nhau.
          Lần thứ nhất cười anh bạn ham chơi, khéo “ăn vạ” tránh đòn ( Mẹ bắt được chưa đánh rôi nào đã khóc).
          Lần thứ hai, cười  cái anh bạn ấy thế mà cũng thành anh bộ đội cơ đấy. Tiếng cười tinh nghịch vẫn còn nguyên cái vẻ hồn nhiên của lần cười trước.
          Lần thứ ba, người cười không còn hồn nhiên mà đã thẹn thùng. Đối tượng của tiếng cười không hẳn là “anh ta” như hai lần trước. Lần này cười- chính là tạo ra một khoảng thời gian im lặng cần thiết để nói về câu hỏi không dễ  dàng gì trả lời đối với mỗi người con gái.
          Để thấy rõ hơn sự khác biệt của ba lần cười, chúng ta hãy chú ý đến cách xưng hô của nhân vật trữ tình tác giả với cô gái:
-         Lần thứ nhất : - cô bé nhà bên.
-         Lần thứ hai : Cô bé nhà bên. Lần này, tuy xưng hô vẫn như lần trước, nhưng “cô bé” ấy cũng đã vào du kích rồi, và sự lớn nhanh đến bất ngờ ấy đã kịp nhen lên một tình cảm mới lạ ở người con trai: “ Mắt đen tròn ( thương thương quá đi thôi!).
-         Lần thứ ba : - Em!
Từ “cô bé nhà bên” đến “em” là cả một sự biến đổi to lớn, một chặng đường dài dặc mà không phải ai cũng qua được. ( ta nhớ đến A. Puskin khi tình cờ cô gái buột miệng gọi “ngài” bằng “anh”, thi sĩ đã sung sướng và xúc động như thế nào, sau đó viết bài thơ tình nổi tiếng. Nhưng xưng hô “ Vư” và “Tư” trong tiếng Nga cũng còn khác rất xa với cách xưng hô rất cụ thể và chặt chẽ của tiếng ta).
          Còn tình cảm của cô gái thì sao? Tác giả không mô tả trực tiếp, nhưng tiếng cười của cô mách ta biết tình cảm của người cười. Từ hai lần “cười khúc khích” đến lần “khúc khích cười” cũng là một biến đổi trong tình cảm rất sâu sắc. ( Nhân tiện nói them rằng trong bản dịch ra tiếng Nga của A. Che-rơ-nov, người dịch đã không thể cảm nhận hết sự tinh tế này, và cũng có thể là do sự khác biệt về hình thái ngôn ngữ hai thứ tiếng, cả ba lần cười đã được dịch hoàn toàn như nhau – Xem: Các nhà thơ Việt Nam, nhà xuất bản Văn học Nghệ thuật, Matxcơva, 1982). Đâu phải chỉ là chuyện “đỡ nhàm” như đã nói. Cũng không phải là chuyện “đảo ngữ” thông thường cho câu thơ “êm tai” hơn. Ở đây là vấn đề tâm lí rất tinh tế. Chúng ta đã hiểu nguyên nhân và đối tượng của tiếng cười. Hai lần đầu cô bé hồn nhiên, vô tư, nhìn thẳng vào anh bạn mà cười. Vì thế, nhân vật trữ tình tác giả NHÌN THẤY MIỆNG CƯỜI và NGHE THẤY TIẾNG CƯỜI. Nhưng lần thứ ba, “cô bé” đã thành thiếu nữ, đã biết thẹn thùng chứ đâu còn hồn nhiên nữa.
          Trong khoảng cách rất gần với người bạn trai ( so với hai lần trước); trong tình thế rất khó xử trước câu hỏi không thể không trả lời ( mà trả lời ngay thì e là quá nông nổi); cô gái đã thông minh, tế nhị sử dụng nụ cười. Cười, nhưng vì e lệ, vì “tình trong như đã…”, nên cô gái đã giấu  nụ cười đi, vì vậy nhân vật trữ tình chỉ NGHE thấy tiếng khúc khích mà biết là cười chứ KHÔNG NHÌN THẤY miệng cười. Nét cười mới ý tứ và duyên dáng, đáng yêu, đáng quý biết bao nhiêu. Giả như lần thứ ba này, cô gái vẫn “cười khúc khích”, nghĩa là ngẩng đầu, nhìn thẳng vào người bạn trai mà cười thì vẻ đẹp của cô sẽ giảm đi nhiều lắm ( Trừ phi cô cười để rồi sau đó từ chối thẳng thừng, không để cho anh bạn nắm tay mình, đó lại là chuyện khác!)
          Chỉ một chút thay đổi: cười khúc khích – khúc khích cười, nhà thơ Giang Nam đã làm ánh lên ở gương mặt cô gái một nụ cười nết na, duyên dáng, rất thùy mị mà cũng rất Việt Nam. Qua chi tiết cỏn con này cũng thấy được bản lĩnh của người viết. Nhiều khi sự khác biệt  của người làm thơ tinh tế với người thợ thơ bình thường cũng chỉ là sự khác biệt CỎN CON đó.
                                                          Hà Nội, mùa xuân 1989
Đã in trong THƠ CHỌN VÀ LỜI BÌNH, nhà xuát bản Văn Học, 1993.

2 nhận xét:

  1. Bác Vũ Nho luận về ba lần cười thiệt chí lý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu. Tôi tự tâm đắc về phát hiện này của mình.
      Nhà thơ Giang Nam, khi viết, chắc ông không nghĩ thế, nhưng người phê bình có quyền viết thế, căn cứ trên văn bản.

      Xóa